Sau một thời gian dài phải “treo” ao do giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm, hiện bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang tập trung cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Nhằm giảm rủi ro cho người nuôi tôm, địa phương và ngành chức năng đang siết chặt quản lý chất lượng tôm giống…
Bất an với chất lượng tôm giống
Đầu vụ tôm năm 2020, nhiều diện tích tôm nuôi của bà con nông dân bị thiệt hại trắng. Bên cạnh nguyên nhân chính là thời tiết nắng nóng bất thường thì có một nguyên nhân nữa do nguồn tôm giống kém chất lượng. Anh Trần Phi Sơn (xã Long Điền, huyện Đông Hải) cho biết: “Bà con rất quan tâm đến khâu chọn giống, bởi nó quyết định rất lớn đến sự thành công hay thất bại của vụ nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp người nuôi tôm vì ham giá rẻ mà mua nguồn tôm giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc về thả nuôi để rồi phải chịu cảnh thua lỗ, “treo” ao. Mỗi khi bắt tay vào vụ nuôi mới, tôi đều mang mẫu tôm đi kiểm tra trước khi quyết định thả nuôi”.
Với gần 200 cơ sở sản xuất, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tỷ con giống, chiếm 40% sản lượng tôm giống của vùng ĐBSCL và 15% của cả nước, có thể nói, Bạc Liêu là trung tâm sản xuất tôm giống lớn trong khu vực ĐBSCL cũng như cả nước. Tuy nhiên, do diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lớn nên với số lượng tôm giống như trên vẫn chưa đủ cung ứng mà phải mua thêm con giống từ các tỉnh, thành khác mỗi khi bước vào vụ nuôi mới. Trong khi đó, tôm giống quyết định rất lớn đến việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Vì thế, ngay đầu vụ tôm này, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững.
“Sở NN&PTNT hiện đang tăng cường quản lý tốt các khâu sản xuất đầu vào (con giống, thuốc nuôi trồng thủy sản…) để giúp bà con nuôi tôm có thể phục hồi lại sản xuất sau khi dịch COVID-19 tạm lắng. Trong đó, đáng chú ý nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống để tránh thiệt hại cho bà con do mầm bệnh có sẵn từ nguồn tôm giống. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng thành lập các đội kiểm tra liên ngành về lĩnh vực này và kiên quyết xử lý những
Khó quản lý tôm giống nhập tỉnh
Tôm giống kém chất lượng thường ẩn chứa mầm bệnh, khi điều kiện thời tiết thích hợp mầm bệnh bùng phát, đây là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao làm cho tôm nuôi bị thiệt hại. Bên cạnh đó, để kiểm soát tốt nguồn con giống sản xuất tại chỗ cũng như con giống nhập tỉnh, các địa phương có diện tích nuôi lớn như: Hòa Bình, Đông Hải, TP. Bạc Liêu cũng đã thành lập tổ quản lý giống tôm để kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển tôm giống vào vùng nuôi. Theo đó, tổ quản lý có nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các lô tôm giống đưa về ương dưỡng, thả nuôi trên địa bàn.
Bên cạnh việc xử lý các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định…; ngành chức năng còn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết yêu cầu các cơ sở kinh doanh tôm giống, nuôi tôm chấp hành các quy định về kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh thú y, quản lý chất lượng tôm giống, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, nêu cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ cộng đồng vùng nuôi trong việc kiểm soát chất lượng con giống thả nuôi, kịp thời thông tin với chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành về các trường hợp vi phạm, vận chuyển, sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc…
Tuy nhiên, theo ngành Nông nghiệp thì khó khăn hiện nay là khâu giám sát chất lượng tôm giống ngoài tỉnh, bởi theo quy định, với tôm giống nhập từ tỉnh ngoài vào, việc kiểm dịch hoàn toàn do phía tỉnh xuất giống thực hiện. Các lô tôm giống nhập từ ngoại tỉnh vào chỉ cần có giấy kiểm dịch là đủ điều kiện lưu hành. Với quy trình trên, nếu phía xuất giống không làm kỹ khâu kiểm dịch thì tôm giống nhập về sẽ có nguy cơ cao về nhiễm dịch bệnh, nhất là trong tình hình hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm trên tôm, gây thiệt hại cho người nuôi. Hiện việc kiểm tra, kiểm soát tôm giống mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra lô tôm giống đó có giấy kiểm dịch, có đúng kích cỡ và đồng đều như công bố không; môi trường nước trong túi nylon chứa tôm có bị chênh lệch lớn về nhiệt độ hoặc độ mặn không…, chứ chưa thực hiện được việc xét nghiệm bệnh trên tôm. Đây là khó khăn khách quan, do vậy bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong khâu chọn mua con giống, không nên vì ham giá rẻ mà mua con giống kém chất lượng.
Khôi Nguyên – Báo Bạc Liêu