Vinanet -COVID-19 kéo dài hơn, hệ thống nhà hàng, điểm du lịch còn đóng cửa sẽ làm giảm sức cầu, nhất là tôm giá trị cao. Tuy nhiên, bù lại hệ thống siêu thị, bán lẻ sẽ có nhu cầu tăng vì xu thế mua về chế biến ở nhà.
Nhu cầu tiêu thụ tôm ở kênh bán lẻ tăng mạnh
TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam cho biết ngày 7/5, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các đơn vị trong ngành họp tại Cần Thơ bàn giải pháp ổn định hoạt động ngành cá tra.
Do COVID-19, 4 tháng đầu năm nay, tiêu thụ cá giảm trên 20% so với năm rồi. Thị trường Trung Quốc chiếm thị phần cao nhất cá tra của nước ta, trên 30%.
Các địa phương, các doanh nghiệp cá và các Hiệp hội đã đề xuất nhiều ý kiến, trong đó, trước mắt hỗ trợ để ngành vượt qua khó khăn lúc này như giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay, giảm tiền điện, giãn tiền thuế… Song song, chú trọng hơn công tác dự báo thị trường, bởi ngoài khó khăn bất ngờ bất khả kháng do dịch bệnh trên người hiện nay, còn phải chú trọng tình hình cung cầu cá thịt trắng, nhất là sản phẩm tương đồng, thay thế. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp các Bộ liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn ở thị trường; riêng các doanh nghiệp tích cực làm việc với các đối tác, nhất là bên Trung Quốc để nối lại việc tiêu thụ, khi COVID-19 đang đi qua.
Cái nổi bật ngành cá tra là đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức nuôi quy mô lớn theo công nghệ cao, khép kín, an toàn cho sản phẩm lẫn môi trường. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho biết điểm nhấn hàng đầu ngành cá tra là phải kiểm soát được sản lượng cá nuôi hàng năm, không thể quá nhiều khi cá thay thế là minh thái đang có sản lượng khai thác tự nhiên rất tốt. Ao thừa có thể nuôi các loài thuỷ sản khác. Điểm nhấn tiếp theo là gia tăng chế biến các mặt hàng từ phụ phẩm như mỡ cá, da cá…; nỗ lực đa dạng sản phẩm và chú trọng phát triển thị trường nội địa. Những nội dung này ngành đều có cố gắng và có kết quả khá tốt; nhưng tốt hơn phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đây là giải pháp căn cơ để giám giá thành, tăng tiêu thụ, tăng nuôi sắp tới.
Ngày 8/5, Bộ họp tổng kết nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng. Con tôm, cá tra là hai sản phẩm chủ lực xuất khẩu của ngành thuỷ sản. Đồng bằng sông Cửu Long đang chuẩn bị chuyển mùa, cao điểm thả tôm nuôi.
“Việc tổng kết và triển khai nuôi tôm lúc này đúng lúc, đầy ý nghĩa. Ý nghĩa lớn nhất con tôm năm nay là con tôm có thể là một cơ hội lớn khi nguy nan COVID-19 đi qua”, ông Lực nhận định. Các năm qua, dù đương đầu nhiều yếu tố bất lợi như giá cả trồi sụt bất thường, dịch bệnh rình rập, vật tư đầu vào nuôi tôm đều có xu hướng lên giá… khiến người nuôi tôm bất an vì đầy thụ động, bất lợi vây quanh. Tuy nhiên, sản lượng tôm vẫn tăng qua từng năm, dù chỉ một con số, năm 2019 đạt trên 800.000 tấn, đứng thứ hai thế giới. Năm nay, đầu mùa nắng nóng và xâm nhập mặn khiến nhiều ao tôm thả sớm bị thiệt hại, mặt khác Covid tác động sức cầu nên giá cả cũng không tốt lắm.
Ông Lực cho rằng trước tình hình này, hội nghị diễn ra để xốc lại lực lượng, thông tin những tín hiệu tích cực tới đây là hết sức cần thiết để hoạt động nuôi tôm khởi sắc hơn.
COVID-19 đã tạo ra những thiệt hại vô cùng to lớn trên toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ phong toả toàn quốc kéo dài cả tháng, chuỗi cung ứng ngành tôm sẽ bị gãy đổ.
Ecuador quá thiếu lao động cho ngành tôm vì giới nghiêm phòng chống covid; tương tự ở Indonesia, thậm chí Thái Lan.
Trung quốc ngoài tác động từ Covid dài ngày, tôm nuôi ở đây đang bị virus Div1 tấn công, gây thiệt hại diện rộng, khá trầm trọng. “Tín hiệu tích cực nói gọn lại là nguồn cung từ các cường quốc tôm đều có xu hướng giảm sút, thậm chí giảm sút nặng nề như ở Ấn Độ, Trung Quốc
COVID-19, tan đầu quý III là quá tốt. COVID-19 kéo dài hơn, hệ thống nhà hàng, điểm du lịch còn đóng cửa sẽ làm giảm sức cầu, nhất là tôm giá trị cao. Tuy nhiên, bù lại hệ thống siêu thị, bán lẻ sẽ có nhu cầu tăng vì xu thế mua về chế biến ở nhà”, ông Lực nói.
Theo ông Lực, đây là cơ hội cho người nuôi và cơ sở chế biến tôm của Việt Nam. Do vậy, người nuôi an tâm thả giống ngay bây giờ, bởi thời tiết đang có xu hướng ngày một thuận lợi hơn.
Lo bệnh dịch trên tôm
Ông Lực cho rằng điều đáng lo ngại của nuôi tôm trước mắt là bệnh tôm như vi bào tử trùng chưa có phác đồ điều trị, chỉ có giải pháp ngăn ngừa.
Cái lo xa, liệu virus Div1 có lây lan qua ta tới đây!
“Dĩ nhiên đây là những bài toán khó, thủ lĩnh ngành phải có chỉ đạo xử lý quyết liệt, để ngành tôm đi lên bền vững hơn. Rất tiếc, hội nghị chỉ kéo dài không đầy bốn tiếng đồng hồ, nhiều tham luận; khiến việc cần thiết là đào sâu tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh trên tôm để người nuôi bớt lo lắng, lại không được chú trọng đúng mức!”, ông Lực nói.
Lĩnh vực nông nghiệp ít có cơ hội phát triển tốc độ cao, bởi còn lệ thuộc không nhỏ thời tiết, khí hậu. Nhưng mặt khác, lĩnh vực này có nền tảng ổn định khá tốt xuất phát từ nhu cầu thực phẩm khá ổn định và sự cần cù, nhẫn nại của hàng triệu lao động trong ngành.
Nguồn: Vietnambiz/Kinh tế tiêu dùng