Năm 2019, tôm Việt Nam xuất khẩu sang 102 thị trường, đạt kim ngạch 3,36 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 3,5 tỷ USD.
Ngày 8/5, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng diện tích tôm thả nuôi đạt 705.545 ha (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm thẻ chân trắng 97.865 ha), đạt sản lượng 823.851 tấn. Xuất khẩu tôm 2019 đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.
Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó tôm sú thả 457.420 ha, tôm thẻ 22.132 ha. Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168.6000 tấn, trong đó tôm sú 65.000 tấn, còn lại là tôm thẻ.
Đến cuối tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).
Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục.
Trong năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN,Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).