Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: Với lợi thế về vị trí địa lý, với bờ biển dài hơn 700km, ĐBSCL có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL, kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trung tâm, là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, trong đó tôm nước lợ chiếm tỷ trọng khá cao và tiềm năng phát triển vẫn còn khá lớn. Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt trên 78.000 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 57.000 ha, chiếm gần 74%; tổng sản lượng nuôi và khai thác tôm nước lợ đạt trên 150.000 tấn, chiếm tỉ lệ 71%; xuất khẩu thủy sản đạt 630 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm còn có một số diễn biến bất lợi cho ngành thủy sản như giá cả hàng hóa trên thế giới diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2019; cạnh tranh thương mại gia tăng; giá nguyên liệu thủy sản giảm sụt, giá nhiên liệu tăng…
Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi đạt 705.545 ha, bằng 97,9% so cùng kỳ năm 2019 (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm chân trắng 97.865 ha). Sản lượng thu hoạch đạt 823.851 tấn, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm đạt 3,36 tỉ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so cùng kỳ năm 2019, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú là 457.420 ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm chân trắng 22.132 ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168,6 nghìn tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21.7% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú đạt 65 nghìn tấn, tôm chân trắng đạt 103,6 nghìn tấn. Tính đến ngày 31/3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).
Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó Top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).
Cũng theo VASEP, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường EU nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác.
Quang cảnh Hội nghị
Đối với thị trường Mỹ, nơi chiếm tỉ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, nhu cầu mua tôm từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Đặc biệt, trong tháng 3/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản của Sóc Trăng đạt 78.968 ha, vượt 8,3% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm nước lợ đạt 57.000 ha, vượt 15,7% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018; diện tích thiệt hại tôm nước lợ là 5.085 ha, chiếm 8,8% diện tích, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thủy sản nước ngọt 20.136 ha; thủy sản khác 1.152 ha (trong đó Artemia 720 ha). Sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 281.357/279.800 tấn, bằng 100,56% kế hoạch, tăng 9,16% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó sản lượng khai thác đạt 70.315 tấn; sản lượng nuôi đạt 211.042 tấn (trong đó tôm nước lợ đạt 150.355 tấn, đạt 108,5% kế hoạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ, chiếm hơn 18% sản lượng của cả nước). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt 630/830 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Năm 2020, Sóc Trăng phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 317.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn; kim ngạch thủy sản đạt 670/900 triệu USD (tăng 6,3% so với năm 2019). Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 236.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900/1.200 triệu USD (tăng 34% so với năm 2020). Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được khoảng 11.200/50.000 ha, đạt 22%, bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thu hoạch 1.500 ha, sản lượng đạt 8.957 tấn.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sau: Nuôi nước trước khi nuôi tôm; triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm giá thành; tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình tôm – lúa để tiến tới triển khai Dự án phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên; quản lý vùng nuôi đúng qui định Luật Thủy sản, thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi các đối tượng nuôi chủ lực theo Nghị định số 26 của Chính phủ và Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2021-2025 với qui mô 17.000 ha, tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng; dự án xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao khu vực huyện Trần Đề với qui mô 300 ha, tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng.