Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh hơn 4.240 ha tại 28 xã, thị trấn thuộc 8/9 huyện, thành phố có nuôi tôm nước lợ, trong đó thiệt hại do tôm bị sốc môi trường 3.834 ha, diện tích còn lại do dịch bệnh gây hại.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt, xuất hiện mưa trái mùa, dao động nhiệt độ trong ngày lớn… ảnh hưởng bất lợi đến nuôi tôm. Tình hình dịch bệnh xảy ra gây hại tôm nuôi chưa có dấu hiệu dừng lại, giá tôm nguyên liệu hiện đang ở mức thấp do bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm. Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn trong tình trạng sản xuất cầm chừng.”
Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại, nuôi tôm ổn định trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nuôi tôm trên địa bàn, tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất tôm trong điều kiện khó khăn về hạn mặn và dịch bệnh, tăng cường công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động sản xuất.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay trong nuôi tôm nước lợ là qua quan trắc môi trường của ngành chức năng tỉnh, trên các kênh cấp nước phục vụ nuôi tôm nước lợ ở vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên độ mặn ở mức cao, kể cả những kênh cấp nước nằm sâu trong nội đồng độ mặn hơn 14‰, đặc biệt có 8/20 điểm độ mặn 25‰ và tại điểm quan trắc Vàm Thứ 6 Biển (An Biên), độ mặn 36‰. Độ mặn này trong nguồn nước không thích hợp cho nuôi tôm và ảnh hưởng bất lợi đến sự sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi.
Trước mắt, tổ chức có hiệu quả công tác phòng chống, dập tắt ổ dịch bệnh, khắc phục hậu quả do sốc môi trường, dịch bệnh gây hại tôm nuôi. Khuyến cáo nông dân trang bị máy móc, dụng cụ đo các thông số môi trường nước phục vụ nuôi tôm và thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường như: Độ mặn, pH, kiềm, oxy hòa tan, NH3… để kịp thời phát hiện và có các biện pháp can thiệp để hạn chế thiệt hại. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của tôm, nhất là sau những cơn mưa trái mùa, đầu mùa để kịp thời can thiệp, xử lý những tình huống bất thường trên đàn tôm nuôi.
Cùng với đó, đang giai đoạn cao điểm của mùa khô hạn, tại một số vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều và tối gây biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao đầm, gây sốc môi trường dẫn đến thiệt hại tôm nuôi.
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp theo mô hình 2 – 3 giai đoạn, nuôi tiết kiệm nước, an toàn sinh học. Nhân rộng mô hình nuôi tôm hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất, bền vững về môi trường ở loại hình tôm – lúa, tôm quảng canh – quảng canh cải tiến năng suất cao.
Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để người dân nuôi tôm thực hiện tốt việc khai báo khi có ổ dịch xảy ra trên tôm nuôi, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định, làm phát tán mầm bệnh lây lan trên diện rộng.
Lê Huy Hải
Nguồn: vietlinh