Vụ mùa mới lại đến, trong thời tiết thuận lợi cho tôm sinh trưởng, cho nên một bộ phận người nuôi đã thả giống sớm. Việc thả giống còn theo “thói quen” từng vùng. Nhưng về quy mô thì thưa thớt không sôi nổi so với năm ngoái, nguyên nhân chính cho việc sản lượng thả nuôi thấp hơn mọi năm là do ảnh hưởng của dịch covid 19 kéo dài làm giá tôm không ổn định nên một số hộ chưa vội thả nuôi vụ mới.
Diện tích thả nuôi tại các vùng
Vùng Sóc Trăng, theo số liệu từ cơ quan chức năng, đến thời điểm này thả giống trên 6.000 hecta, chiếm gần 15% diện tích nuôi. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước, gần 25.000 hecta. Với tỉ lệ thả nuôi này, không đáp ứng dự báo của các hãng cung ứng tôm giống lớn. Khiến có những mức khuyến mãi mua tôm giống cao ngất ngưởng, mua 1 tặng 1/2, thậm chí mua 1 tặng 1.
Phía Bắc sông Hậu thả giống sớm trong năm, phát triển khá ổn định, đang vào giai đoạn thu hoạch. Phía Nam sông Hậu thả giống trễ hơn, từ đầu năm và kéo dài tới rớt hột mưa. Vùng Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến rất lớn có cách thả giống riêng của mình. Thông thường sẽ cải tạo sau lúc cuối mùa nắng và thả nuôi kéo dài cả năm.
Vì sao diện tích thả nuôi lại hạn chế
Có nhiều lý giải như: tình hình lây lan Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng làm việc tiêu thụ trên thế giới sẽ giảm sút, giá tiêu thụ sẽ giảm theo. Có thể không mang hiệu quả tốt cho người nuôi. Nhưng một nguyên nhân khác hết sức quan trọng gây chùn tay thả nuôi tôm là tình hình các ao nuôi đã thả giống. Thông thường thời tiết nóng, vi khuẩn gan tụy phát triển mạnh hơn, thời tiết lạnh vào mùa mưa hoặc cuối năm virus đốm trắng sẽ bùng phát nhiều hơn. Khái quát như vậy, nhưng hiện nay virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi. Các chủ nuôi tôm Sóc Trăng và một số tỉnh đang thấm thía tác hại này.
Do tình hình ảnh hưởng từ Covid-19, các nhà máy tôm đang lo lắng phòng chống tình hình lây nhiễm dịch trong công nhân, lo lắng tình hình tiêu thụ, tình hình giao hàng. Nay thêm lo lắng tình hình dịch bệnh này kéo dài, người nuôi hạn chế thả nuôi tôm thì hai tháng nữa, theo thông lệ là vào vụ thu hoạch, khởi đầu mùa tôm… làm sao có đủ tôm chế biến. Không riêng các nhà máy tôm, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị con tôm cũng trong tâm trạng không vui này.
Thả tôm chậm lại có lợi hơn cho người nuôi
Tuy nhiên, việc thả giống chậm là hợp lý. Bởi nuôi làm sao giảm thiểu tối đa rủi ro. Khi mùa mưa bắt đầu, nhiệt độ không còn quá nóng, chênh lệc ngày đêm giảm và nhất là độ mặn của nước giảm đi phần nào sẽ khiến người nuôi an tâm hơn cho phương châm làm một vụ ăn chắc. Đó là hoàn cảnh nuôi các hộ nhỏ lẻ. Riêng các trang trại có điều kiện khắc phục các khó khăn như nhiệt độ, độ mặn thì việc thả nuôi sớm là khả thi và thả nuôi nhiều vụ mỗi năm.
Nói gì thì nói, “luồng gió độc” đang diễn ra đã gây tác hại không nhỏ. Thực ra không ít kế hoạch bị đảo lộn. Minh chứng là rất nhiều ao tôm đã chuẩn bị xong, nghe tình hình này nên tạm ngưng thả giống. Hiệu ứng domino, các nhà máy chế biến sẽ có khoảng thời gian thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới giá tôm tươi thất thường, đắt đồng ế chợ… Mùa tôm mặn năm nay khởi đầu thấy… mặn. Hy vọng Covid-19 sớm lụi tàn, hy vọng mùa mưa tới sớm hơn, thời tiết sớm dịu mát hơn để người nuôi an tâm thả giống thời gian tới. Và hy vọng lớn hơn, Covid-19 sớm tan, thế giới vui mừng, tiêu thụ tôm mạnh hơn, giá cũng tốt hơn!
TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Nguồn: Vasep