Bạn tìm thông tin gì?

Một số biện pháp chống nóng cho thủy sản

Vào mùa hè, nắng nóng kéo dài hoặc mưa gió bất thường sẽ khiến các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, dẫn đến thủy sản nuôi bị sốc hoặc phát sinh bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi.

Thủy sản nuôi là động vật thuộc nhóm máu lạnh nên điều kiện nhiệt độ môi trường nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chúng. Thân nhiệt của cá, tôm thay đổi theo nhiệt độ nước, thường chỉ chênh lệch với nhiệt độ nước khoảng 0,10C, lúc môi trường nước giảm hay tăng đột ngột có thể kích thích dây thần kinh da làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh ra bệnh có thể gây chết hàng loạt.

Dưới đây là một số biện pháp chống nóng cho cá, tôm nuôi vào mùa hè nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra:

Cơ sở sản xuất giống

Bố trí ao nuôi có điều kiện tốt nhất, bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước. Có thể làm mái che bằng lưới đen để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ. Tăng cường công tác phòng bệnh tổng hợp vào thời điểm nắng nóng.

Với ao ương, đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; chăm sóc và quản lý tốt các ao ương cá giống; tính toán mật độ nuôi phù hợp; khuyến khích dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng giống thủy sản.

Những ngày nắng nóng cao điểm, không nên xuất bán hay vận chuyển cá giống thủy sản. Khi có sự cố xảy ra cần báo cho ngành chức năng, theo dõi quy định trong sản xuất giống thủy sản để có những biện pháp ứng phó.

 

Nuôi ruộng

Cần bảo đảm lượng nước đầy đủ, tránh nước rò rỉ bằng cách đóng cống, nén chặt bờ. Đào mương hoặc tạo các chỗ trũng trong ruộng làm nơi trú ẩn cho thủy sản vào những ngày nắng nóng kéo dài và cũng là nơi tập trung cho ăn, thu hoạch. Nếu ruộng nhỏ, đào một chỗ trũng, nếu là ruộng to đào 2 – 3 chỗ trũng ở giữa ruộng hoặc rìa ruộng, diện tích chỗ trũng chiếm 2 – 3% tổng diện tích ruộng.

Nuôi trong ao, hồ nhỏ

Duy trì mực nước trong ao từ 1,5 – 2 m trong suốt mùa hè, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú. Nâng cao sức khỏe cho thủy sản bằng cách: Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn liều lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; giảm khẩu phần cho ăn xuống khoảng 50 – 60% vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 350C.

Đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, tránh nguồn nước thải sinh hoạt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra ao nuôi, theo dõi thủy sản trong ao, nếu có hiện tượng bất thường cần có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong những ngày nắng nóng cần giảm lượng thức ăn từ 30 – 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Tăng cường sử dụng chế phấm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, hạn chế việc thay nước thường xuyên. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay sau khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

 

Nuôi lồng bè

Vệ sinh lồng bè thường xuyên, đảm bảo lồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ để nước trong và ngoài lồng được lưu thông. Kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi râm mát. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lồng xuống, đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5 – 3 m. Nên dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh.

Nâng cao sức khỏe cho thủy sản nuôi trong lồng bằng cách bổ sung Vitamin B1, C vào thức ăn, cho cá ăn 2 lần/ngày lúc sáng sớm và chiều mát. Với những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 350C thì giảm khẩu phần ăn hoặc ngừng cho ăn.

Bình An – http://thuysanvietnam.com.vn/

Trả lời