Dù giảm giá mạnh trong mùa dịch COVID-19 nhưng người dân Hà Nội không mặn mà bởi người dân chủ yếu mua thực phẩm thiết yếu như; rau, thịt và cắt giảm chi tiêu những sản phẩm “ăn chơi” như: tôm, cua, ốc, cá hồi…
Hải sản giảm giá tại chợ dân sinh nhưng người dân không mặn mà.
Bước sang ngày thứ 4 khi Hà Nội thực hiện cách ly “toàn xã hội”, người dân đã có ý thức hơn trong việc ở nhà và thực sự cần thiết mới ra khỏi nhà. Dù chợ dân sinh và siêu thị mở cửa nhưng thưa thớt khách bởi người dân đi chợ 1 lần dùng cho nhiều ngày thay vì ngày nào cũng đi chợ như trước đây.
Sáng 4/4, chợ Hà Đông vốn tấp nập ngày nào nay vắng lặng vì lác đác khách mua. Nhiều tiểu thương ngồi ngóng khách. Chị Kim Xuyên, tiểu thương buôn bán hải sản (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ ra Tết đến nay, giá nhiều loại hải sản giảm mạnh. Vì thế, người tiêu dùng có cơ hội được mua hải sản giá rẻ. Nhiều loại thủy, hải sản trước đây chỉ có trong nhà hàng nhưng nay bán ở chợ như cá chạch, cá chim, cá trắm hiện giảm giá tới 1/2 so với trước Tết, còn 90.000 – 100.000 đồng/kg; tôm sú 250.000 đồng; cá điêu hồng 45.000 đồng/kg; cá thác lác 110.000 đồng/kg.
“Dù giảm mạnh nhưng người dân đi chợ toàn mua rau, thịt chứ ít người mua hải sản. Mọi người giờ thắt chặt chi tiêu và chỉ tiêu những gì cần thiết vì không biết dịch bệnh bao giờ mới hết. Buôn bán ế ẩm thế này không biết tôi bỏ quầy lúc nào”, chị Xuyên nói.
Theo chị Hằng, buôn bán hải sản ở khu vực chợ Nghĩa Tân (Cầu giấy), sở dĩ giá thủy, hải sản gần đây giảm mạnh còn do nhiều người ngại đi chợ. Người đi chợ phần lớn mua nhiều thức ăn thiết thực như thịt, cá, rau củ. Những hải sản theo kiểu “ăn chơi” như tôm, cua, ốc… không còn được chú trọng như trước nên sức mua giảm đáng kể.
Theo khảo sát tại các chợ truyền thống như: Khương Thượng, Định Công, Bưởi, Kim Liên…, các loại hải sản như tôm, cua, ốc… cũng giảm khoảng 50% so với trước, nguồn hàng khá dồi dào. Đơn cử, bạch tuộc lớn giảm còn 370.000 đồng/kg, sò dương 220.000 đồng/kg, tôm hùm xanh 650.000 đồng/kg, ốc hương biển loại lớn 550.000 đồng/kg, cá mú 300.000 đồng/kg, ghẹ 390.000 đồng/kg, cá tầm 270.000 đồng/kg, sò huyết 300.000 đồng/kg…
Không chỉ thủy, hải sản trong nước mà hàng ngoại nhập cũng giảm tương tự. Chẳng hạn, tu hài Canada giảm còn 800.000 đồng/kg, sò điệp Nhật 600.000 đồng/kg, hàu Mỹ 100.000 đồng/kg, tôm hùm Alaska 750.000 đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 1 triệu đồng/kg, cá bơn Hàn Quốc 550.000 đồng/kg…
Từ ra Tết, tôm hùm xanh được bày bán nhiều tại Hà Nội, nhiều bà nội trợ mua về cho gia đình vì giá rẻ. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tấm biển giải cứu tôm hùm không còn vì dân không mua. Nay tiếp tục trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người kêu gọi giải cứu cá hồi còn 220.000 đồng/kg (thay vì 500.000- 600.000 đồng/kg trước đây).
“Con trai tôi rất thích ăn cá hồi nhưng giờ tôi ở nhà không đi làm vì dịch nên gia đình cũng không dám ăn hải sản đắt tiền dù giá rẻ hơn trước nhiều bởi không biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình thường”, chị Thuỳ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, dịch Covid 19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất (giảm 40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.
Theo VASEP diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp (nhất là những doanh nghiệp nhỏ) không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.
Mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị số 05 của UBND TP, Sở đã rà soát với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các nguồn cung về lương thực thực phẩm, sản xuất để tính toán lượng thừa thiếu, đảm bảo cân đối cung cầu.
Về thuỷ hải sản, nguồn cung hiện nay cũng rất dồi dào. “Chúng tôi rất mong người dân thủ đô tiêu thụ đỡ cho các doanh nghiệp các mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại cá khác trong miền Tây.
Hiện nay xuất khẩu kém, các nhà hàng, khách sạn nghỉ nên giá thuỷ hải sản hầu hết giảm từ 30 – 50%. Người dân tiêu thụ các sản phẩm này là giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, Phó giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)