Bạn tìm thông tin gì?

Khó đoán định tương lai ngành tôm

Ngành tôm thế giới đang hứng chịu hậu quả của “bão” COVID-19, giá tôm trên toàn cầu giảm mạnh. Theo đánh giá, mức giá bán hiện tại vẫn đảm bảo lãi cho người nuôi. Tuy nhiên, câu chuyện của con tôm sắp tới như thế nào thì chưa ai dám khẳng định.

Cơ hội vẫn còn

Nhìn nhận về tình hình thị trường tôm thời gian gần đây, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, cho đến giờ này tình hình vẫn chưa đến mức xấu dù giá tôm có giảm, bởi với mức giá như hiện tại, nếu đạt năng suất người nuôi vẫn sống được với nghề. Liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo ông Phẩm là có tác động đến giá tôm ở hiện tại, nhưng xa hơn vẫn rất khó đoán định được. Ông Phẩm chia sẻ: “Giá tôm gần đây cũng bình thường dù có giảm đôi chút do ảnh hưởng từ dịch tại các nước nhập khẩu. Cũng có những nhà nhập khẩu mua thêm, có nhà nhập khẩu đề nghị đình lại và cũng có nhà nhập khẩu yêu cầu xuất gấp các đơn hàng cho họ. Do đó, nếu nói tôm tồn kho lớn hiện nay theo tôi là chưa có tính thuyết phục, bởi các nhà máy ở Sóc Trăng cũng như trong khu vực ĐBSCL hiện vẫn đang hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu bình thường”.

Ảnh minh họa

Khẳng định thêm về việc các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ổn định và giá tôm vẫn còn ở mức có lợi cho người nuôi, bảng giá thu mua tôm thẻ của Stapimex ngày 26/3 cho thấy, tôm cỡ 45 – 100 con/kg đã tăng lên từ 1.000 đến vài nghìn đồng/kg, riêng tôm cỡ lớn (20 – 30 con/kg) vẫn giữ ở mức khá cao. Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, hiện giá tôm đang tăng trở lại ở hầu hết các cỡ và doanh nghiệp đang thu mua TTCT loại 30 con/kg với giá 135.000 đồng/kg.

Trong khi các doanh nghiệp Sóc Trăng khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thu mua tôm với giá đảm bảo lợi nhuận khá cho người nuôi thì các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Cà Mau lại đang gặp khó. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin, dù Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường trở lại, nhưng việc thông quan vẫn chưa nhiều, trong khi thị trường châu Âu và Mỹ đều ngưng đơn hàng. Tình hình trên khiến phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh ngưng mua, hoặc mua cầm chừng, vì không biết bán cho ai, còn nếu trữ lại cũng chưa biết tới đây thị trường sẽ ra sao; thậm chí một số doanh nghiệp không còn vốn để thu mua do chưa giải phóng được hàng tồn kho.

Vì sao lại có sự trái chiều giữa Cà Mau với Sóc Trăng và một số tỉnh khác trong khu vực? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân chính làm cho giá tôm ở Cà Mau giảm mạnh so với các tỉnh khác một phần là do thị trường tiêu thụ tôm của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản tại đây là từ Trung Quốc, đặc biệt là con tôm sú, một sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong khi, từ trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 đã hoành hành mạnh ở Trung Quốc buộc thị trường này phải đóng cửa và chỉ mới mở lại thời gian gần đây, nhưng việc thông quan vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ecuador cũng đang gặp khó khăn về thời tiết và dịch bệnh nên nhiều khả năng con tôm Việt Nam sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường này trong thời gian tới.

Sự thất thường của giá tôm từ đầu vụ đến nay cùng với diễn biến thời tiết bất lợi khiến người nuôi tôm lo lắng, dẫn đến tiến độ thả nuôi có phần chậm lại. Nhưng nếu thả tôm ở thời điểm này liệu có đảm bảo được mức giá tốt khi thu hoạch hay không vẫn là bài toán khó đối với người nuôi. Giả sử sau 3 – 4 tháng tới các nước khống chế dịch COVID-19 thành công, cũng chưa ai dám chắc nhu cầu thị trường khi đó sẽ tăng.

 

Xoay chuyển thị trường

Trung Quốc nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm cũng đã có những phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho tôm Việt Nam tới thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc tại “sân chơi” EVFTA, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác có ký kết hiệp định thương mại tự do, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan.

Mặt khác, theo đại diện VASEP, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng; trong khi, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Để khắc phục điều này, người dân cần liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

>> Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: “10 ngày trở lại đây, giá tôm sú loại 20 – 40 con/kg ở Cà Mau đã giảm 40.000 – 50.000 đồng/kg, còn TTCT cũng giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí TTCT cỡ nhỏ tìm doanh nghiệp mua rất khó. Tỉnh đã tuyên truyền để người dân không nên hoang mang dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt càng làm cho giá tôm giảm mạnh thêm và đề xuất Chính phủ can thiệp bằng gói tín dụng để doanh nghiệp mua trữ tôm…”.

An Xuyên –Thủy sản Việt Nam

Trả lời