Ninh Bình: Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm
Những năm gần đây, ngành thủy sản Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ, trong đó nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng ven biển huyện Kim Sơn có nhiều tiềm năng phát triển lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn là 3,315 ha trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1,985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh đạt 130 ha và 1,200 ha diện tích nuôi ngao.
Theo Ông Phạm Văn Hải – Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh cho biết do Ninh Bình là một tỉnh thuộc phía Bắc nước ta chịu ảnh hưởng của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia ra làm bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa đông nhiệt độ giảm xuống rất thấp dưới 10oC, mùa hè nhiệt độ tăng cao và kéo dài kèm theo mưa, bão kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm thẻ thâm canh nói riêng và thủy sản nói chung tại huyện Kim Sơn.
Hiện nay, tại vùng ven biển huyện Kim Sơn nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh chỉ thực hiện được 02 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 4 dương lịch và kết thúc vào tháng 11 dương lịch hàng năm, điều này đã làm hạn chế thế mạnh mũi nhọn của huyện Kim Sơn, sản lượng thủy sản sản xuất ra cũng như hiệu quả kinh tế đem lại chưa tương xứng với thế mạnh của vùng.
Công ty TNHH Tân Vân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong nhà mái che kết hợp với áp dụng công nghệ Biofloc, thực hiện quy trình nuôi không thay nước, xử lý nước nhanh để thực hiện nuôi tôm thể chân trắng 3 vụ/năm. Công ty đã thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ từ 150 – 170 con/m2 tại 06 ao trong 02 năm 2018 và 2019. Sau 02 năm thực hiện sản lượng tôm thu được trên 90 tấn/03 vụ/năm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty, tăng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn phát triển, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của vùng.
Để các hộ nuôi tôm tại vùng ven biển huyện Kim Sơn có thể nuôi được 03 vụ/năm đạt hiệu quả cao thì cần sự quan tâm của các cấp các ngành nghiên cứu thực nghiệm để có được quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh phù hợp với điều kiện của vùng, quy hoạch vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến mới… giúp cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển bền vững.