Các phi vụ “giải cứu” nông sản siêu lợi nhuận trong mùa dịch là thông tin đáng chú ý tuần qua, trong đó mỗi kg tôm lãi tới 400 nghìn đồng.
Mượn danh giải cứu hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần
Nhiều dân buôn đang hô hào giải cứu hoa hồng Đà Lạt. Tuy nhiên, mức giá không hề có tính chất giải cứu, mà đắt ngang ngửa giá thị trường tại Hà Nội. Có những cơ sở bán một bó hoa hồng đỏ với giá 140 nghìn đồng/30 bông, 120 – 130 nghìn đồng/30 bông hồng các màu, nhưng vẫn sử dụng cụm từ “giải cứu hoa hồng Đà Lạt.
Với mức giá này, dân buôn đã bán cao hơn cả giá thị trường tại Hà Nội. Và nếu nhập với mức giá phổ biến tại Đà Lạt hiện giờ là 1 nghìn đồng/bông, thì dân buôn đã thu về gấp hơn 4 lần.
Thu giữ hàng trăm “thẻ đeo diệt virus corona”
Gần 300 thẻ đeo diệt virus do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng được các đối tượng công khai chào bán trên mạng có tác dụng phòng chống Covid -19. Toàn bộ số hàng đã bị thu giữ.
Theo cơ quan quản lý thị trường, chủ lô hàng là Phạm Tiến Mạnh (sinh năm 1997, quê quán Thái Nguyên). Đối tượng trình bày số “thẻ chống virus” này được nhập lậu từ nước ngoài và rao bán trên mạng xã hội với công dụng khi đeo thẻ này, sẽ làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như virus Covid-19.
Giá cho loại “thẻ đeo diệt virus” này từ 200.000 đồng – 450.000 đồng/sản phẩm. Loại thẻ này hiện được rao bán phổ biến trên mạng và lợi dụng được rất được nhiều người quan tâm vì đang thời điểm lo ngại dịch bệnh bùng phát.
Tiểu thương chợ Ninh Hiệp mở mắt ra đã lỗ 4 triệu đồng
Chi phí hoạt động một ngày tại chợ Ninh Hiệp không hề nhỏ. Quầy hàng chỉ vỏn vẹn 4m2, nhưng lại nằm ngay trục chính của khu chợ quần áo nam có thể mất chi phí lên tới 4 triệu đồng/ngày.
Bởi ngoài tiền mặt bằng, số tiền bỏ ra thuê 4 nhân viên cũng khiến nhiều tiểu thương tại đây đứng ngồi không yên.
Hàng mới không có, hàng cũ lại khó bán nên lâu dần, chợ thưa thớt người qua lại. Nhiều cửa hàng cũng chỉ treo hàng mẫu lên rồi cả chủ và 4 – 5 người thợ cùng ngồi chơi.
Một số quầy hàng quần áo đã phải đóng cửa, nhưng không ít hàng do phải chịu chi phí quá cao nên vẫn cố lay lắt.
Bánh pizza làm từ quả thanh long giải cứu
Lấy cảm hứng khiến từ việc ở Sài Gòn có bánh mì thanh long, chủ tiệm pizza cũng đã cho ra đời một chiếc bánh từ thanh long.
Tuy nhiên, phải mất 5 lần thử nghiệm, chủ tiệm bánh này mới thành công với sản phẩm bánh pizza sử dụng phần ruột thanh long đỏ. Thời gian để làm ra được chiếc pizza thanh long rơi vào khoảng 30 – 45 phút.
Thanh long sẽ được bóc vỏ, xay nhuyễn, trộn trực tiếp với bột và nguyên liệu làm bánh. Người thợ sẽ nướng pizza theo công thức riêng bởi phần đế bánh thanh long dễ bị khô và cứng hơn thông thường.
Buôn tôm hùm “giải cứu” vẫn lãi đậm
Do tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên việc thu mua tiêu thụ nội địa rất chậm, không đáng kể. Hiện giá tôm thịt thu mua buôn nội địa giảm mạnh, chỉ còn 540.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tôm bán lẻ cũng chỉ khoảng 650 – 700 nghìn đồng/kg. Nếu mua từ 10 – 20 kg thì tôm sẽ được “đi” máy bay và vận chuyển tới tận nhà, chi phí chỉ mất thêm 500 nghìn đồng.
Giá tôm rẻ là vậy, nhưng vài ngày qua, không ít cơ sở cũng lợi dụng việc giải cứu tôm để đánh vào tâm lý mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, các cơ sở này bán tôm với giá 299 nghìn đồng/con, hoặc gần 1,1 triệu đồng/kg. Mức giá này theo quảng cáo của cơ sở đã được khuyến mại lên tới 30%.
Như vậy, mỗi cân tôm hùm xanh Khánh Hoà, các cơ sở này thu lãi trên 400 nghìn đồng. Mức lợi nhuận như vậy không còn đúng với ý nghĩa của việc giải cứu. Hơn nữa, người tiêu tômùng cũng không được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ.
Thế Hưng/ Dân trí