Bạn tìm thông tin gì?

Xây dựng chuỗi giá trị tôm: Bài toán cần có lời giải

TTH – Sự phụ thuộc quá nhiều vào thương lái khiến đầu ra của tôm nuôi bấp bênh. Và thời điểm này, khi tôm rớt giá, “bí” đường tiêu thụ, người nuôi cắn răng “ngâm” sản phẩm. Cơ quan chức năng dù khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị tôm, song còn quá nhiều khó khăn.

Người dân vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Tự bơi

Khoảng 2 thập kỷ qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển nhanh, tác động đến sinh kế, sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương ven biển. So với trước đây, người nuôi hiện ít nhiều đã thay đổi tư duy sản xuất. Tuy nhiên, sản phẩm nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường đang ngày càng khắt khe.

Bất kể nuôi con gì, đặc biệt là tôm, con giống là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của mùa vụ. Nhưng trong thực trạng thị trường tôm giống hỗn tạp như hiện nay, người nuôi chọn được giống tốt quả không dễ.

Ông Nguyễn Quang Anh (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) có hơn 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng thừa nhận, họ chọn giống chủ yếu bằng sự truyền miệng hay lời giới thiệu của dân trong nghề, không nhiều người xác định được chất lượng nguồn giống trong khi thị trường hiện nay có hàng chục cơ sở cung cấp tôm giống khác nhau.

“Các cơ sở sản xuất giống ở miền Nam đều xác nhận uy tín cũng như chất lượng của con giống. Nhưng người nuôi lại thường lựa chọn theo cảm tính. Do vậy, không ít mùa vụ thất bát vì giống kém chất lượng. Những năm trở lại đây, người nuôi tôm cũng được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến về kỹ thuật chọn giống, nhưng người nuôi vẫn mù mờ, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm để chọn lựa”, ông Anh chia sẻ.

Sự phát triển hồ nuôi ồ ạt khiến nhu cầu về giống hiện nay là rất cao. Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, hàng năm, người nuôi cần khoảng 1 tỷ con giống. Trong khi đó, ngoài Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, trên địa bàn tỉnh lại chưa có một cơ sở sản xuất giống nào đáp ứng được nhu cầu về chất lẫn lượng.

“Rõ ràng, nếu có những cơ sở cung ứng nguồn giống có chất lượng ngay trên địa bàn tỉnh thì người nuôi sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đó là vấn đề di chuyển, độ tin cậy về nguồn gốc và cả sự đảm bảo của các chủ cơ sở sản xuất. Hiện, người nuôi tôm chủ yếu mua giống ở phía Nam nên quá trình vận chuyển, sức đề kháng của tôm giống sẽ giảm, đó là chưa kể đến việc có những nguồn giống trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phan Thị Thu Hồng phân tích.

Muốn phát triển bền vững cần có sự liên kết

Khi người nuôi tôm thẻ chân trắng đang bước vào thời kỳ thu hoạch, vấn đề đầu ra đang là trở lực. Không chỉ bây giờ mà nhiều năm trước, các cơ quan chức năng đã nhận ra vấn đề này.

Năm 2013, tại huyện Phong Điền, các HTX thủy sản được thành lập với mục đích là đầu mối cung cấp dịch vụ về giống, thức ăn, đầu ra cho các thành viên, tạo vòng tròn có tính liên kết. Song, các HTX này nhanh chóng ngưng hoạt động với lý do người dân quen nuôi tôm theo cách cũ, nghĩa là đã có được đầu mối cung cấp thức ăn truyền thống, thậm chí họ được ký nợ khi mua. Quy trình nuôi và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu theo phương thức “tự sản tự tiêu”.

Lãnh đạo xã Phong Hải (huyện Phong Điền), địa bàn đứng chân của 2 HTX thủy sản thừa nhận, đầu ra của người nuôi tôm tại địa phương này chủ yếu phụ thuộc vào thương lái mà thiếu đi sự liên kết, người dân vẫn chưa đồng lòng, chia sẻ dẫn đến những HTX hoạt động không hiệu quả.

Theo người nuôi tôm, họ không thể không tự phát khi trên địa bàn tỉnh hiện có rất ít công ty, doanh nghiệp cung ứng nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật bao tiêu sản phẩm để tạo chuỗi sản xuất nhằm đảm bảo tính bền vững của giá trị hàng hóa.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho rằng: Đối với thủy sản nói chung, việc xây dựng chuỗi hiện gặp nhiều khó khăn từ khâu nguyên liệu đến đối tượng trung gian và nhà phân phối. Riêng với con tôm, nếu xây dựng chuỗi thì sản phẩm đó dành cho xuất khẩu và phải theo quy định tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, tôm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ nội địa nên người ta không quan tâm lắm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc. Xác nhận chuỗi là xác nhận cho những cửa hàng bày bán, nhưng điểm bày bán các sản phẩm thủy sản hiện vẫn chưa có.

Toàn tỉnh hiện chỉ có Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam là đơn vị có khả năng đứng ra liên kết sản phẩm với người nuôi tôm. Song, để sản phẩm của người nuôi tôm đứng chân vào đơn vị này là cả một quá trình.

Theo đại diện Công ty CP. Việt Nam, công ty sẵn sàng cung cấp nguồn giống có chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật và thu mua sản phẩm của người nuôi tôm nếu họ đảm bảo các yêu cầu như, kích cỡ tôm đạt 50 con/kg trở lên, tôm không có chất tồn dư kháng sinh, thức ăn không có chất bảo quản hay tôm phải được nuôi theo công nghệ cao…

“Hiện, Công ty CP đang thiếu nguồn nguyên liệu nhưng kiến thức của người nuôi tôm vẫn còn hạn chế trong khi thủ tục để tôm được doanh nghiệp thu mua còn khá phức tạp. Ngoài ra chi phí đầu tư để nuôi tôm theo mô hình của Công ty CP là rất cao khiến người dân khó tiếp cận… Đó là những nguyên nhân chính khiến khó xây dựng chuỗi giá trị tôm. Sắp tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục có những chính sách tuyên truyền, vận động người nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp. Đầu tiên là xây dựng các mô hình nuôi công nghệ cao nhằm tiếp cận dần với quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, bước đầu tạo ra sự liên kết để phát triển bền vững”, bà Phan Thị Thu Hồng nói.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn : https://baothuathienhue.vn/

Trả lời