Bạn tìm thông tin gì?

‘Vua tôm’ Minh Phú bị điều tra, Bộ Công Thương vào cuộc

Sau khi Hoa Kỳ thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú; Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ/ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Cụ thể, vừa qua, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ/ngành hữu quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này, đồng thời có văn bản đề nghị Công ty Minh Phú phối hợp làm rõ các thông tin liên quan.

Tôm Minh Phú bị Hoa Kỳ điều tra về chống lẩn tránh thuế

Thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để làm việc, trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần nghiêm túc đấu tranh chống lại các hành vi gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Về phía Công ty Minh Phú, ngay khi nhận được thông tin về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kz (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với MSeafood, công ty con của Tập đoàn Minh Phú tại Hoa Kỳ.

Tập đoàn cho biết, đơn vị hết sức bất ngờ vì trong Quyết định (đăng tải trên các phương tiện truyền thông), CBP chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi Tổ chức AHSTEC – đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện CBPG tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn. AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafoof vào tháng 9/2019. Vì quy trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.

Theo đó, luật sư của Minh Phú tại Hoa Kỳ đã đăng ký với CBP để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Minh Phú khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với CBP cho dù cuộc điều tra EAPA và Quyết định nói trên quả thực mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều.

Hiện tại, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế CBPG áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ. Minh Phú khẳng định biện pháp tạm thời nói trên không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Minh Phú vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác. Mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Minh Phú vẫn diễn ra bình thường, theo kế hoạch.

Tuy nhiên, tập đoàn khẳng định không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Hoa Kỳ như trong cáo buộc. Quyết định sơ bộ được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm đông lạnh Ấn Độ sang Hoa Kỳ.

Thực tế, đơn vị không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Hoa Kỳ mà chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy của Minh Phú theo quy trình nghiêm ngặt đã được chứng nhận và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ.

Đại diện Công ty Minh Phú cho biết, hiện, CBP cũng chỉ rõ là Quyết định sơ bộ nói trên chỉ dựa trên các thông tin, số liệu ban đầu và chưa được kiểm chứng. Theo đó, có nhiều thông tin được dẫn chiếu không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.

Cụ thể, trong Quyết định của CBP cho thấy, AHSTEC đã dựa vào các thông tin được trích trong thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn. Minh Phú cho biết, đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú “nuôi và thu hoạch” từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.

Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, CBP đã dựa vào thông tin mà nguyên đơn trích từ Báo cáo xuất khẩu tháng 6/2019 đăng trên website của Minh Phú để cho rằng có dấu hiệu cho thấy có một số lượng hàng xuất khẩu khá lớn của Minh Phú không phải do Minh Phú sản xuất. Kết luận này dường như đã dựa trên sự nhầm lẫn, hiểu sai về số liệu tại báo cáo.

Thực chất, số liệu được dẫn chiếu chỉ là theo đơn đặt hàng mà Minh Phú đã nhận được vào tháng 6/2019 và lượng đơn đặt hàng trị giá 141 triệu USD, tương ứng với khoảng 13.403 tấn thành phẩm, chỉ gấp đôi so với công suất sản xuất 01 tháng của Minh Phú. 100% lượng tôm thành phẩm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang.

Trên thực tế, sau khi nhận được đơn đặt hàng, Minh Phú sẽ cân đối nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất và xác nhận lại với khách hàng về số lượng, giá cả và thời gian giao hàng. Điều này có nghĩa là, không phải toàn bộ số lượng đơn đặt hàng đều được Minh Phú chấp nhận và bán cho khách hàng. Hơn nữa, các đơn đặt hàng được xác nhận trong tháng 6/2019 thường được sản xuất và xuất khẩu trong nhiều tháng tiếp theo.

CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ ngày 1/10/2018 đến 31/8/2019, Tập đoàn Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ. Đây là thông tin không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của tập đoàn.

Đặc biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quý II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn độ. Và tổng lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú.

Minh Phú cũng cho biết thêm, do các cáo buộc tương tự về Minh Phú vào tháng 6/2019, công ty đã chủ động hợp tác, cung cấp số liệu cho CBP và mời CBP vào làm việc để xác minh thông tin. Tuy nhiên, do lần điều tra này, CPB xác định giai đoạn điều tra dựa vào đơn kiện nhận được vào tháng 9/2019 nên giai đoạn cung cấp thông tin đã có sự thay đổi. Trong mọi trường hợp, tập đoàn sẽ luôn hợp tác, công khai và minh bạch thông tin để tránh việc bị liên lụy do các cáo buộc khác, không có cơ sở nhằm vào Minh Phú nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.

Thu Hà

Nguồn: Công Thương

Trả lời