Bạn tìm thông tin gì?

Ứng dụng mạng cảm biến không dây

(Thủy sản Việt Nam) – Gần đây, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã nghiên cứu giải mã các công nghệ thông minh ứng dụng trong nuôi tôm.

Khắc phục nhược điểm

Thời gian qua, nhiều công ty đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống giám sát tự động chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, các  sản phẩm trên thị trường giá thành vẫn rất cao do chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ và còn nhiều nhược điểm cơ bản:

– Thiết bị tương đối đắt tiền, không linh hoạt do thiết bị cồng kềnh khó khăn trong việc di chuyển cũng như xử lý.

– Thiết bị rời rạc đơn lẻ nên dữ liệu thu thập được chưa có tính thống kê cao và độ chính xác không cao. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.

– Chưa tự động hóa việc lấy dữ liệu, còn cần sự can thiệp từ phía con người nên kinh phí tốn kém. Dữ liệu không được cập nhật liên tục.

– Hệ thống đề xuất cũng chưa chú ý tới sự phát triển của các dòng điện thoại thông minh một trong định hướng phát triển công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.

– Chưa có bộ cơ sở dữ liệu chuẩn để triển khai đại trà trên các sông, hồ nuôi trồng thủy sản.

 

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn cho ngành tôm

Nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã thực hiện nhằm giải mã được sáng chế về công nghệ xử lý tín hiệu và công nghệ truyền thông không dây LoRa trong mạng cảm biến không dây. Nghiên cứu nhằm phát triển ứng dụng công nghệ mạng cảm biến không dây phù hợp trong truyền thông dữ liệu. Xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam. Ứng dụng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Trong nghiên cứu này, công nghệ truyền thông mới LoRa lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu triển khai cho hệ thống mạng cảm biến không dây. Với lợi thế truyền bằng sóng vô tuyến theo phương thức P2P (peer to peer – mạng ngang hàng) không phụ thuộc vào các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, LoRa là công nghệ truyền thông không dây mới, được xây dựng để thiết lập kết nối vô tuyến ở khoảng cách rất xa (đến 10 km, trong tầm nhìn thẳng) cho các thiết bị thông minh trong bối cảnh phát triển ứng dụng IoT (Internet of Things) cho các thiết bị dùng nguồn pin, yêu cầu tiêu thụ năng lượng thấp.

Mục tiêu của nghiên cứu là thiết kế, chế tạo module truyền thông LoRa tích hợp vào thiết bị IoT, xây dựng một số thuật toán cho Node và Gateway để kết nối nhiều thiết bị thành một hệ thống mạng và kết nối với các hệ thống mạng khác để tạo thành một hệ thống IoT hoàn chỉnh. Hệ thống đạt được các kết quả như truyền dữ liệu giữa các thiết bị IoT tích hợp module LoRa với Gateway, xây dựng bản tin truyền và nhận có Protocol đã định sẵn, xây dựng được mạng hình sao sử dụng công nghệ truyền thông LoRa, truyền dữ liệu từ các nút đến Gateway theo kết nối mạng hình sao, truyền nhận dữ liệu chính xác, ổn định, phát triển thuật toán đa truy nhập, tìm ra được các nguyên nhân gây mất dữ liệu và khắc phục.

Thanh Hiếu (Tổng hợp)

Nguồn: http://thuysanvietnam.com.vn/

Trả lời