Bạn tìm thông tin gì?

Cảnh giác với dịch bệnh trên tôm nuôi trước tiết trời “đỏng đảnh”

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Nền nhiệt độ xuống thấp là điều kiện để cho vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển.

Thời tiết hanh khô xen kẽ các đợt không khí lạnh với nhiệt độ môi trường nước xuống thấp là cơ hội phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, người nuôi tôm cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tôm sinh trưởng, phát triển tốt.

Thận trọng cho tôm nuôi vụ đông 2019, anh Thân Văn Thành ở thôn Bắc Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chờ thời tiết nắng ấm mới tiến hành xuống giống để phòng ngừa dịch bệnh.

Anh Thành chia sẻ: Vụ thu đông trước, một số ao nuôi tôm của anh bị “dính” bệnh gan tụy cấp tính do thời tiết thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Rút kinh nghiệm, năm nay, anh theo dõi sát sao thời tiết phù hợp mới xuống giống. Cách đây gần một tháng, với diện tích 8ha nhưng anh chỉ thả 2 ao nuôi (0,5 ha) với hơn 1,2 triệu con tôm giống.


Tôm nuôi của anh Nguyễn Việt Khách ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) bị thiệt hại do rét.

Theo anh Thành, hai tuần gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp là điều kiện tốt để cho vi khuẩn, vi-rút (nhất là vi-rút đốm trắng) gây bệnh phát triển. Nhiệt độ thấp cùng với trời ít nắng sẽ làm tảo chậm phát triển, quá trình quang hợp của tảo xảy ra cường độ thấp có khả năng gây thiếu oxy về đêm. Bình thường, tôm nuôi sinh trưởng phát triển tốt ở nhiệt độ phù hợp từ 28 – 32oC. Vì vậy, anh không dám mạo hiểm đầu tư thả thêm con giống.

Với nền nhiệt độ rét đậm gần đây, không ít người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh lo lắng bởi khả năng bắt mồi, tiêu hoá thức ăn, sức đề kháng, hoạt động của hệ thống thần kinh giảm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Chủ đầm tôm Nguyễn Việt Khánh ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) có diện tích 2 ha với 6 ao nuôi. Vụ đông này, anh thả hơn 3 triệu con tôm giống.

Anh Khánh cho biết: Tôi thả nuôi cách đây 4 tháng, hiện tôm nuôi đã có kích cỡ 80 con/kg. Tuy nhiên, các đây hơn tuần, do trời rét, nhiệt độ giảm sâu khiến tôm bị chết, thiệt hại hơn 2 tạ.

“Để hạn chế thiệt hại, phòng ngừa dịch bệnh, tôi nâng mực nước trong ao lên trên 1,4m, nhằm giữ nhiệt độ ít dao động giữa ngày và đêm. Mặt khác, tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, hạn chế khí độc…” – anh Khánh cho biết thêm.


Người nuôi tôm cần tăng cường thời gian vận hành quạt nước, nhất là thời điểm trời ít nắng, ban đêm, nhiệt độ xuống thấp…

Theo ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 300 ha nuôi tôm vụ đông, chủ yếu nuôi công nghiệp, công nghệ cao trên cát.

Tuy nhiên, trước thời tiết khắc nghiệt, nuôi tôm vụ đông ở Hà Tĩnh đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là các loại dịch bệnh phát sinh như: đốm trắng, gan tụy cấp tính và bệnh còi (EHP). Do đó, các chủ đầm tôm cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động quan trắc cảnh báo môi trường nước và chăm sóc tôm đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh.

Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý. Đặc biệt, không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường… ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm khác.

Nguồn: Theo Báo Hà Tĩnh

Trả lời