Xuất khẩu cá tra khởi sắc ngay từ quý đầu năm
Theo haiquanonline.com.vn, bước qua năm 2019 đầy khó khăn khi giá cá tra liên tục giảm sâu, năm 2020 được dự báo là năm tươi sáng hơn với ngành cá tra, giá sẽ nhích nhẹ ngay quý đầu năm.
Giai đoạn 2017-2018 lợi nhuận cao nên năm 2019 các hộ nuôi và doanh nghiệp tập trung tăng sản lượng cá tra. Nguồn cung cao đã gây áp lực lên giá. Suốt năm 2019, tiêu thụ cá tra khó khăn chủ yếu do xuất khẩu sang các thị trường truyền thống giảm mạnh, điển hình là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 2 tới, Mỹ sẽ công bố kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 15. Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.Đó được xem là tín hiệu tốt để khôi phục xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì mức độ phục hồi vẫn chưa thực sự rõ nét.
Với thị trường chủ lực khác là Trung Quốc, đã khởi sắc từ cuối năm 2019. Bước sang năm 2020, đặc biệt là dịp giáp Tết, nhu cầu ở thị trường này vẫn tiếp tục tăng. Với những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ, dự báo xuất khẩu cá tra thời gian tới có thể tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều. Dù dự báo xuất khẩu cá tra khả quan hơn, song áp lực cạnh tranh đặt ra cho ngành cá tra Việt ngày càng lớn bởi Trung Quốc đã bắt đầu nuôi được cá tra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt hơn quản lý chất lượng và tiêu chuẩn cá tra, không còn là thị trường “dễ tính”. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia… cũng đã nuôi được cá tra. Sản lượng của các nước này gộp lại gần bằng sản lượng cá tra Việt Nam.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, thời gian tới các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng.
Giá tôm năm 2020 liệu có cải thiện
Theo vietnambiz.vn, Tổng Cục Thủy sản cho biết, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Tổng Cục Thủy sản, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.
Theo VASEP, sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018. Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.
VASEP nhận định xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Xuất khẩu tôm sẽ khả quan trong năm 2020
Theo haiquanonline.com.vn, năm 2019, mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2019, XK tôm của Việt Nam ước đạt 3,38 tỷ USD, giảm gần 5% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.
Năm 2019, XK tôm chân trắng giảm 3,2% đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 70% giá trị tôm XK, tôm sú giảm mạnh 15% đạt 693 triệu USD, chiếm 20,5%, các sản phẩm tôm biển và tôm khác chiếm gần 10%.
Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018. XK giảm chủ yếu do kết quả XK nửa đầu năm kém, nửa cuối năm XK hồi phục dần dần.
EU là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,6% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.
Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm nay.
Theo EVFTA, thuế NK hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) NK vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế NK tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Với những lợi thế nêu trên, các doanh nghiệp XK tôm đang kỳ vọng năm 2020 tôm xuất sẽ bật lên thật khả quan.
Chương trình Xúc tiến thương mại VASEP tại Toronto – Canada năm 2020
Thông tin từ vietnambiz.vn, VASEP dự kiến tổ chức chương trình B2B nhằm gặp gỡ khách hàng tiềm năng, khảo sát hệ thống phân phối, siêu thị tại thị trường Canada trong năm nay.
Chương trình 1 (Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ)
Chương trình này do VASEP phối hợp với Bộ Công Thương, dự kiến tổ chức vào ngày 18 – 20/3/2020.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình B2B sẽ gặp gỡ nhà nhập khẩu Canada, thăm hệ thống phân phối Costco Canada, Loblaw (Hệ thống bán lẻ lớn nhất của Canada), hệ thống siêu thị Kim Phát (hệ thống châu Á lớn nhất Canada) cùng với một số hoạt động khác.
Chương trình kết hợp với Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, sẽ được thực hiện sau khi kết thúc hội chợ.
Lịch trình dự kiến cho Chương trình 1 như sau: ngày 18/3, các doanh nghiệp tham dự chương trình B2B và thăm hệ thống phân phối; ngày 19/3, tham quan thác Niagara và ngày 20/3 sẽ trở về Việt Nam.
Chương trình 2
Chương trình 2 phối hợp cùng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2020 và kết hợp với Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ, sẽ được thực hiện sau khi kết thúc hội chợ. Các doanh nghiệp sẽ tham gia chương trình B2B tại Toronto, gặp gỡ khách hàng tiềm năng, tham quan, khảo sát hệ thống phân phối, siêu thị cùng một số hoạt động liên quan khác.
Lịch trình dự kiến cho Chương trình 2 như sau: ngày 1, các doanh nghiệp tham dự chương trình B2B và thăm hệ thống phân phối; ngày 2, tham quan thác Niagara và ngày 3 sẽ trở về Việt Nam.
Chương trình XTTM năm 2020: Triển lãm thủy sản toàn cầu
Theo vietnambiz.vn, Triển lãm thủy sản toàn cầu là hội chợ triển lãm chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới sẽ diễn ra ngày 21 – 23/4 tại Trung tâm triển lãm Brussels, Vương quốc Bỉ do Công ty truyền thông Diversified (Mỹ) đứng ra tổ chức.
Tham gia Triển lãm thuỷ sản toàn cầu 2019, Hiệp Hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đăng kí diện tích 264 m2 và dàn dựng thành gian hàng quốc gia Việt Nam với phương châm “Việt Nam – ngôi nhà của thủy sản châu Á”.
Địa điểm Trung tâm triển lãm Brussels, Bỉ
Chương trình XTTM năm 2020: Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ
Theo vietnambiz.vn, Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ (Seafood Expo North America) là sự kiện có qui mô lớn, sẽ diễn ra vào ngày 15 – 17/3/2020 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Boston (Mỹ) do Công ty truyền thông Diversified đứng ra tổ chức.
Là một trong những hội chợ thủy sản lớn nhất thế giới, Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ năm 2019 đã tổ chức thành công với các gian hàng đến từ 1.200 nhà trưng bày đến từ 40 quốc gia trên thế giới. Địa điểm Trung tâm triển lãm quốc tế Boston (Mỹ). Thị trường mục tiêu Mỹ và các nước Bắc Mỹ

Nguồn: VITIC