VTV.vn – Ngành thủy sản các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để tư vấn, hướng dẫn người nuôi tôm sớm triển khai việc đăng ký mã số ao nuôi theo Luật Thủy sản.
Hiện các thị trường nhập khẩu tôm của nước ta đang đưa ra yêu cầu truy xuất gốc nguồn gốc sản phẩm một cách rất nghiêm ngặt. Nếu như trước đây chỉ yêu cầu chứng minh nguồn gốc sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nay các nhà nhập khẩu còn đòi hỏi chi tiết đến tận vùng nuôi, ao nuôi. Muốn làm được điều đó, không cách nào khác người nuôi tôm phải thực hiện việc đăng ký, đánh mã số ao nuôi, vùng nuôi.
Nếu như trước đây, những con tôm nguyên liệu để vào được nhà máy chế biển chỉ cần kiểm tra tồn dư hóa chất, kháng sinh, nay ngoài các chỉ tiêu đó, doanh nghiệp còn yêu cầu nơi bán nguyên liệu phải cung cấp mã số về vùng nuôi, ao nuôi. Theo các nhà máy thủy sản, đây là một trong những yếu tố giúp xác nhận nguồn gốc sản phẩm mà các nhà nhập khẩu rất quan tâm hiện nay.
Trước yêu cầu đó, mới đây tại tỉnh Bến Tre, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức hội nghị chuyên ngành nhằm thông tin, phổ biến quy định mới về việc đăng ký, cấp mã số ao nuôi theo Luật Thủy sản. Điểm đặc biệt là từ tháng 4/2020, các cá nhân, tổ chức nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung không đăng ký, không cấp mã số ao nuôi sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 – 15 triệu đồng. Đây là lần đầu tiên mức phạt hành chính được đưa để buộc các cá nhân, tổ chức phải đăng ký cơ sở vùng nuôi, mã số ao nuôi thay vì chỉ khuyến cáo như trước.
Trên thực tế, việc đăng ký vùng nuôi, đánh mã số ao nuôi đã được triển khai từ lâu. Điển hình tại Tập đoàn Việt Úc, từ nhiều năm trước, ngay trong các hồ sơ đăng ký đầu tư doanh nghiệp này đã đăng ký rõ ràng các hạng mục công trình, trong đó có vùng nuôi tôm. Tại từng vùng nuôi, đơn vị đều đăng ký, đánh mã số ao nuôi chi tiết. Cùng với việc đánh mã số ao nuôi bài bản, doanh nghiệp tại đây còn xây dựng và triển khai phần mềm quản lý tôm thương phẩm với nhiều tính năng hữu ích.
Hiện nhiều vùng nuôi nuôi tôm thương phẩm của doanh nghiệp đều được cấp chứng nhận do các tổ chức uy tín trên thế giới cấp như: BAP, ASC… Với cách làm bài bản như vậy, doanh nghiệp tại đây đã đóng góp tích cực cho thị trường những con tôm sạch, chất lượng và có địa chỉ rõ ràng. Đây cũng là giải pháp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cũng như sức cạnh tranh hàng hóa thủy sản nước ta khi tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, những mô hình hiệu quả như vậy chỉ mới làm tốt ở cấp độ doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hơn 700.000ha diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước.