Ðể đảm bảo vụ nuôi tôm mới thành công, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định ban hành lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 cho từng vùng nuôi, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi tuân thủ lịch thời vụ.
Những năm gần đây, người nuôi tôm trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các quy định về nuôi trồng thủy sản, từ chọn con giống đảm bảo chất lượng, chú trọng công tác vệ sinh môi trường vùng nuôi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi… nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng thu hoạch.
Người nuôi tôm ở vùng nuôi thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) sẽ thả giống sớm hơn mọi năm để đảm bảo mang lại hiệu quả.
Ông Lê Văn Nhơn, ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Sau khi thu hoạch xong tôm nuôi vụ 2 năm 2019, tôi tận dụng ao thả nuôi hơn 2.000 con cá đối, giáp Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch. Giữa tháng Giêng, tôi xử lý lại ao để tiếp tục vụ nuôi mới. Năm nay, theo khuyến cáo của ngành chức năng, tôi sẽ giảm số lượng tôm thả nuôi để tăng số lượng cua, cá giống nuôi xen canh”.
Còn ông Phạm Hồng Ngoan, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), cho biết: “Vụ tôm vừa rồi, do nắng hạn kéo dài, ao tôm của gia đình tôi xảy ra dịch bệnh, kết quả không đạt yêu cầu. Tôi có 3 ao nuôi, vụ sắp tới sẽ thả khoảng 40.000 con giống tôm thẻ chân trắng trong 1 ao, 2 ao còn lại tôi sẽ làm ao lắng để vừa cải tạo ao, vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo chất lượng nước, nhằm mang lại hiệu quả”.
Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi tôm 2 vụ toàn tỉnh hơn 2.198 ha, giảm 8% so với với cùng kỳ năm 2018; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 789,5 ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản tổng hợp tôm, cua, cá.
Cả tỉnh hiện có 18 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó có 2 DN và 16 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Trong năm 2019, các DN, cơ sở đã sản xuất 6.768 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Vùng nuôi tôm an toàn sinh học tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) hiện có 43 hộ nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích hơn 23 ha. Ông Phan Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm Đông Điền, cho biết: “Năm 2019, sau 2 vụ nuôi, phần lớn người nuôi ở đây chỉ hòa vốn bởi dịch bệnh phát sinh nhiều. Bởi vậy, bà con đã họp lại thống nhất vụ nuôi mới năm 2020 sẽ làm sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. Đặc thù vùng nuôi tôm ở đây nằm ở phía ngọn đầm Thị Nại, mình làm sớm hơn 1 tháng là lúc còn gió mùa Đông Bắc, nhờ đó nước lấy vào ao có độ mặn cao hơn. Mấy năm gần đây độ mặn thấp, dễ phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Thả tôm sớm hơn một chút nhưng vẫn nằm trong khung thời gian và đảm bảo tuân thủ lịch thời vụ. Giữa tháng Chạp, chúng tôi sẽ cải tạo ao, hồ, phơi đáy, bón vôi diệt khuẩn, cấp nước vào hồ… và giữa tháng Giêng sẽ đồng loạt thả giống”.
Theo lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 do Sở NN&PTNT ban hành, toàn tỉnh thả nuôi hơn 2.100 ha tôm nuôi. Đối với vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, thả nuôi 3 vụ/năm; vùng nuôi tôm trên cát nuôi 2 vụ/năm; vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông chuyên nuôi tôm, nuôi vụ 1 và nuôi tổng hợp hoặc vụ phụ (vụ 2)…
Ông Võ Đình Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Bên cạnh việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tôm trong tỉnh, Chi cục khuyến cáo bà con nên áp dụng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi thủy sản tổng hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, hướng dẫn người nuôi điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp theo lịch thời vụ. Chi cục cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và các giống thủy sản; xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vụ nuôi tôm trong năm 2020 đạt hiệu quả.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn : Báo Bình Định