Bạn tìm thông tin gì?

Khai thác lợi thế tôm sinh thái

– Nuôi tôm sinh thái là hướng đi rất thịnh hành tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay; với nhiều giá trị kinh tế, xã hội mà mô hình này mang lại. Cùng đó, nói đến tôm sinh thái không thể không nhắc đến mô hình của Tập đoàn Minh Phú đang được triển khai rất hiệu quả.

Năm 2017, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã thành lập Công ty CP Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, với mục tiêu và định hướng hoạt động vì xã hội và môi trường – vì cộng đồng người nuôi tôm. Từ đó, đã cải thiện được hiệu quả mô hình nuôi tôm – rừng truyền thống như tăng năng suất tôm nuôi, tạo được vùng nuôi nguyên liệu ổn định, làm tăng giá trị tôm nuôi thông qua đa chứng nhận quốc tế. Quan trọng nhất, là tăng ổn định nguồn thu nhập cho người dân nuôi tôm – rừng thông qua “việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng” và chi trả “giá trị tăng thêm” từ giá trị của tôm được chứng nhận sinh thái. Đến nay, ngoài 5 cổ đông sáng lập, chuỗi tôm – rừng Minh Phú đã chọn được thêm 84 hộ dân tại BQL rừng phòng hộ Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) là cổ đông với 48.640 cổ phần (10.000 đồng/cổ phần), với diện tích nuôi là 486,4 ha.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn giúp hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản lượng thủy sản ổn định; tôm sinh thái đã tạo đà để vực dậy nền kinh tế của địa phương. Đến nay, huyện đã phát triển được gần 10.000 ha nuôi sinh thái, tập trung trên địa bàn các xã, thị trấn; trong đó, khu vực trọng điểm tập trung ở xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông… Thời gian tới, địa phương tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với toàn bộ diện tích này, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất. Được biết, những hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn tôm sạch, vẫn được hưởng một số quyền lợi nhất định. Sản phẩm tôm sinh thái được Công ty Thủy sản Minh Phú bao tiêu sản phẩm, thu mua giá cao hơn so với thị trường khoảng 3.000 đồng/kg, đối với tôm loại 20 con/kg. Bên cạnh đó, những hộ dân khi được chứng nhận diện tích nuôi sinh thái, được Minh Phú hỗ trợ con giống, trung bình 1 ha được hỗ trợ tương đương khoảng 1 triệu đồng. Theo đại diện Công ty CP Thủy sản Minh Phú, hiện Minh Phú có vùng nguyên liệu tôm sinh thái 50.000 ha khắp các tỉnh ĐBSCL; trong đó, có 4.500 ha tôm sinh thái, sản lượng 2.500 tấn được chứng nhận BAP, ASC và MSC. Riêng tại Cà Mau, Minh Phú liên kết với gần 100 hộ dân sản xuất tôm sinh thái, thuộc 35 tổ hợp tác tại huyện Ngọc Hiển, với diện tích 500 ha, dưới hình thức cổ đông của Công ty CP Thủy sản Minh Phú. Trong thời gian tới, Minh Phú tiếp tục mở rộng diện tích hợp tác với người nuôi tôm sinh thái tại đây lên 1.000 ha; đây là bước khởi đầu tích cực, tạo động lực cho người nuôi tôm rừng, tôm sinh thái Cà Mau theo đuổi hướng phát triển mới.

Theo nhận định của các nhà sinh thái học, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn còn cho lợi ích to lớn về mặt môi trường. Vì, rừng ngập mặn là loại hệ sinh thái vô cùng đa dạng và quý giá, bên cạnh đó, cây rừng ngập mặn có khả năng tích trữ cacbon sinh khối vào dạng cao nhất, nên nó được coi là nhà máy lọc không khí hiệu quả nhất hiện nay. Thay vì phá rừng nuôi tôm như trước kia, hiện nay người dân tích cực trồng thêm rừng để có thể nuôi tôm sinh thái. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng mô hình này cần tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình tại các vùng ven biển trên cả nước; đồng thời có các chính sách khuyến khích người nông dân, HTX phát triển rừng ngập mặn và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng ngập mặn như khoán rừng, chính sách về hỗ trợ vốn, hỗ trợ giá, hỗ trợ kỹ thuật…

>> Các sản phẩm tôm sú luôn được ưu chuộng trên thế giới, đặc biệt Việt Nam có những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Dubai và Singapore… đã ổn định hàng chục năm qua.

Hải Lý Nguồn :Thủy sản Việt Nam

Trả lời