Bạn tìm thông tin gì?

Xuất khẩu tôm ở Cà Mau có nhiều triển vọng

Các tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt vùng Bán đảo Cà Mau đang nỗ lực đạt sản lượng hơn 1,1 triệu tấn tôm và kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỉ USD vào năm 2025.

Tín hiệu khả quan từ vùng nuôi

Gia đình ông Huỳnh Văn Dũng (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) đã có thâm niên làm mô hình lúa – tôm tại địa phương hơn 10 năm. Mấy năm trước, hết hạn mặn đến dịch bệnh hoành hành đã khiến 1,5 ha đất canh tác của gia đình có những vụ nuôi thất bát. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ tham gia thực hiện Đề án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác tôm – lúa” của ngành chức năng địa phương nên năng suất nuôi tôm của gia đình ông tăng đều.

Ông Dũng cho biết, trước đây người dân làm theo kiểu truyền thống, thả giống nhiều mà không hiệu quả. Khi tham gia đề án, được tập huấn kỹ thuật nên bà con làm bài bản hơn. Thông thường, rơm của vụ lúa tuốt xong bỏ nay được giữ lại đưa xuống ruộng để tạo tảo, làm thức ăn cho tôm. Những việc cải tạo ao đầm như: phơi mặt trảng; đánh vôi; gây màu nước bằng phân DAP;… bà con được hướng dẫn cụ thể để đầu tư hiệu quả. Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới, gia đình ông hiện nay có nguồn thu khoảng 70 – 80 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình lúa – tôm giúp người dân tăng thu nhập.

Ông Huỳnh Văn Dũng chia sẻ: “Cấy lúa trong vuông tôm lúc nào cũng hiệu quả hơn, tôm có hoài. Mần ruộng bây giờ đâu có đủ xài, mà cực khổ lắm. Tôm bây giờ có giá, vô con nào bắt con đấy. Có bữa 300.000-400.000, có bữa 700.000-800.000”.

Tỉnh Cà Mau có khoảng 38.000 đất làm mô hình lúa – tôm. Thời gian qua, trước khó khăn của người nuôi tôm thâm canh gặp phải, mô hình sinh thái lúa – tôm đang giúp sản lượng tôm giữ vững và phát triển.

Còn tại Bạc Liêu, tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng thứ 2 cả nước sau Cà Mau, hiện đang có hơn 34.000 ha đất sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh này, mô hình lúa – tôm mang lại lợi nhuận trung bình cao hơn từ 15-30% (khoảng 56 triệu đồng/ha/năm) so với độc canh lúa hoặc tôm. Từ đó, tỉnh định hướng tăng diện tích lúa – tôm lên 41.000 ha vào năm 2025. Đặc biệt, với “tham vọng” trở thành “thủ phủ ngành tôm của cả nước”, tỉnh Bạc Liêu đang mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ đầu tư cho các mô hình nuôi tôm.

Xây dựng thương hiệu cho tôm

Nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt – Úc. Mô hình cho năng suất tôm đạt tới 100 tấn/ha/năm. Nuôi tôm siêu thâm canh đang chiếm tỷ trọng diện tích nhỏ nhất trong cơ cấu mô hình nuôi nhưng lại cho sản lượng rất cao.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn và ngay cả người dân cũng đang dần chuyển hướng đầu tư nuôi hình thức này, qua đó, góp phần nâng tổng sản lượng tôm nuôi năm nay của Bạc Liêu đạt hơn 142.000 tấn, tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ cao cho siêu năng suất.

Theo ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương hội đủ điều kiện để thực hiện các trọng trách Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Bạc Liêu trở thành “công xưởng sản xuất tôm lớn nhất cả nước”.

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài chú trọng sản xuất tôm theo hướng liên kết chuỗi giá trị thì tỉnh đã khởi động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 418 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ đã có khoảng 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong nhiều lĩnh vực từ giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản để phục vụ phát triển nuôi tôm đến những doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực chế biến, xuất khẩu.

“Hiện nay, 20 nhà đầu tư trong chuỗi ngành tôm xin vào Khu công nghệ cao này và một số viện trường cũng xin vào đây để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật về ngành tôm. Để lan tỏa ra và trở thành trung tâm ngành tôm Quốc gia ở Bạc Liêu, 20 doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai mô hình trong nhân dân. Hiện nay, trong dân có hơn 100 mô hình, bước đầu những mô hình này khá thành công. Chúng tôi hy vọng thời gian không xa, những mô hình công nghệ cao này sẽ lan tỏa khắp tỉnh Bạc Liêu và cả khu vực bán đảo Cà  Mau”, ông Dương Thành Trung nói”.

Những vấn đề vừa nêu cũng là một phần trên “con đường dài hơi” tỉnh Bạc Liêu trong việc thực hiện để xây dựng thương hiệu tôm. Chuỗi sự kiện quảng bá thương hiệu tôm được địa phương này tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, với chủ đề “Tôm Bạc Liêu – hương vị Việt Nam” đã cụ thể hơn khát vọng trở thành “thủ phủ ngành tôm” và xây dựng thương hiệu tôm riêng cho tỉnh mình.

Xuất khẩu vượt khó để tiến bước

Từ lâu thương hiệu tôm nước ta đã được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới biết đến. Hiện, sản phẩm tôm Việt Nam đã có mặt tại gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ để hàng năm đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của đất nước khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường xuất khẩu còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Nhìn từ tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh đứng đầu cả nước là Cà Mau sẽ phần nào thấy được thực trạng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau năm 2018 là 1,2 tỷ USD và đến hết tháng 11-2019, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh mới đạt khoảng 1 tỷ USD. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tôm của địa phương này trong năm nay khó có thể đạt được.

Xuất khẩu tôm năm nay có những khó khăn nhất định.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Thương mại – Sở Công thương Cà Mau chỉ rõ là do rào cản kỹ thuật của thị trường các nước ngày càng cao. Cụ thể, hải sản của nước ta bị thẻ vàng của EU và mặt hàng tôm cũng chịu tác động theo, bị kiểm soát chặt hơn. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Cà Mau là Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu. Trước đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của tỉnh đi theo đường tiểu gạch thì nay phải đáp ứng các tiêu chuẩn “khó tính” theo quy định của Hải quan Trung Quốc mới có thể xuất hàng. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu nên tình hình xuất khẩu chững lại.

Tuy nhiên, “bức tranh” xuất khẩu tôm của Cà Mau thời gian tới sẽ sáng hơn bởi con đường xuất khẩu chính ngạch đã bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chính sách để tồn tại và sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu bền vững trong tương lai. Ngoài ra, bên cạnh các thị trường truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì các doanh nghiệp cũng đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga, Anh… và chú ý hơn tới thị trường trong nước.

“Xuất khẩu là hướng cơ bản nâng cao giá trị hàng hóa của người nông dân và doanh nghiệp. Chúng tôi đã đưa sản phẩm tôm ra thị trường rất nhiều nước giúp thu lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, cũng không xem nhẹ thị trường trong nước. Hiện nay, sản phẩm tôm của Cà Mau nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng trong nước, nhất là thị trường TP. HCM và Hà Nội. Xuất khẩu thủy sản nói riêng, mặt hàng tôm nói chung của tỉnh trong thời gian tới có nhiều triển vọng”, ông Nguyễn Việt Trung chia sẻ.

Thời gian qua các tỉnh ven biển trong vùng đã và đang tập trung phát triển theo định hướng kế hoạch hành động phát triển ngành tôm của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã thấy những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để đạt như kỳ vọng của Thủ tướng, vẫn còn rất nhiều khó khăn cần khắc phục.

Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Đến năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,5 tỷ USD. Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; sản lượng tôm nuôi đạt hơn 1,1 triệu tấn; giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đến 2025 sẽ đạt 10 tỷ USD.

Theo TẤN PHONG – TRẦN HIẾU (VOV)

Trả lời