Đó là tên hội thảo do Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Tập đoàn Sanso, Nhật Bản phối hợp tổ chức sáng ngày 14/12/2019 tại Hà Nội. Hội thảo đề cập đến những nghiên cứu mới nhất tại khoa Thủy sản; đồng thời giới thiệu công nghệ tiên tiến đến từ Nhật Bản giúp cải thiện năng suất ở một số loài quan trọng ở Việt Nam.
Tham dự hội thảo có đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – GS TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng Khoa và TS Trương Đình Hoài – Phó Trưởng Khoa Khoa Thủy sản; Phần khách mời gồm có ông Takehiro Ichinose, Giám đốc Công ty Sanso – nhà tài trợ chính của hội thảo; ông Nguyễn Đức Bình – Trưởng đại diện công ty Hosoda Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của gần 50 khách mời là công ty uy tín hoạt động trong ngành nuôi trồng thủy sản như CP Việt Nam, Tập đoàn Việt Úc, Công ty Xuyên Việt, đại diện các sở thủy sản các tỉnh phía Bắc, các công ty kinh doanh, các chủ trang trại sản xuất giống, ương nuôi thủy sản….
Theo GS Phạm Văn Cường, Khoa Thủy sản được tách riêng từ khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản từ năm 2015, là khoa non trẻ nhất trong Học viện với số lượng cán bộ công nhân viên và sinh viên chưa nhiều. Tuy nhiên vai trò của khoa trong chiến lược phát triển của Học viện và của ngành thủy sản là vô cùng quan trọng. Trong thời gian qua khoa đã có nhiều hoạt động và nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của Học viện và ngành thủy sản nước nhà. Việc tổ chức những chương trình hội thảo sẽ là cơ hội để giới thiệu, là cầu nối để cung cấp thông tin về những kết quả nghiên cứu thiết thực cùng những giải pháp, mô hình hiện đại, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển tới người nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
GS.TS. Phạm Văn Cường bày tỏ và hy vọng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Khoa Thủy sản nói riêng sẽ luôn là cầu nối tin cậy trong hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và có nhiều đóng góp hơn nữa cho ngành thủy sản nước nhà.
Tiếp đó, TS Trương Đình Hoài giới thiệu về công nghệ cung cấp hàm lượng oxy cao đến từ Nhật Bản. TS Hoài nhận định, trong hoạt động nuôi trồng thủy sản thì chất lượng nước nuôi có vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài kiểm soát tốt các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong nước, việc đo lường hàm lượng oxy là vấn đề cần được quan tâm. Nguồn nước nuôi giàu oxy sẽ giúp các loài nuôi khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng để chống chọi tốt với dịch bệnh và sinh trưởng tốt. Nhắc đến hàm lượng oxy cao trong nuôi trồng, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó công nghệ của hệ thống Sansolver tạo oxy hòa tan cao đã được khoa Thủy sản nghiên cứu và ứng dụng trong thí nghiệm kiểm chứng. Và kết quả của quá trình nghiên cứu thông tin công khai qua chương trình hội thảo này.
Ông Takehiro Ichinose, Giám đốc công ty Sanso cho biết, một khó khăn lớn trong việc nuôi trồng đó chính là nguồn nước nuôi thường có hàm lượng oxy hòa tan thấp nên khó thể đáp ứng được việc nuôi với mật độ cao. Trong khi đó, mật độ nuôi và lợi nhuận là 2 yếu tố tỷ lệ thuận với nhau. Nhằm cải thiện điều này, công ty Sanso đã bắt tay vào nghiên cứu nhằm tạo sản phẩm có khả năng cung cấp hàm lượng oxy hòa tan cao và sự ra đời của chiếc máy Sansolver chính là thành quả của quá trình.
Theo đo lường và so sánh thực tế, khi sử dụng quạt nước, sục khí, phun mưa thì lượng oxy tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao mật độ nuôi lên nhiều lần. Hệ thống Sansolver có thể tạo ra hàm lượng oxy cao (40mg/l) để cung cấp thêm vào hệ thống nuôi. Nước nuôi được cung cấp thêm oxy hòa tan sẽ mang tới nhiều lợi ích khác như: Tăng được mật độ thả nuôi gấp nhiều lần; Nâng cao sức khỏe trong xử lý bệnh; Giữ cá giống, cá thương phẩm; Nâng cao tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng trong các trại sản xuất giống; Sản xuất ra nguồn thức ăn tươi sống; Xử lý nước thải và khí thải trong ao nuôi…
Hiệu quả thực tế của Sansolver, công nghệ Nhật Bản được kiểm chứng thực tế qua thí nghiệm đối chứng được thực hiện tại Khoa Thủy sản của Học viện. PSG.TS Kim Văn Vạn và TS Trương Đình Hoài lần lượt trình bày hiệu quả cung cấp oxy hòa tan nồng độ cao trong ương nuôi lên sinh trưởng, tỷ lệ sống, hiệu quả sử dụng thức ăn của cá vược và cá rô phi. Thí nghiệm được bố trí với các bể nuôi đối chứng, sử dụng công nghệ sục thông thường và bể nuôi sử dụng công nghệ tạo hàm lượng oxy cao từ Sansolver.
Kết quả thu được cho thấy, cá nuôi bể thí nghiệm tăng trưởng tốt, mã đẹp, trọng lượng tăng nhanh, tỷ lệ sống cao, hệ số sử dụng thức ăn (FCR giảm 13%) và quan trọng nhất là mật độ nuôi tăng 5 lần so với lô đối chứng. Bên cạnh đó, nhờ công nghệ hòa tan oxy của Sansolver, oxy được hòa tan hoàn toàn, tồn tại với nồng độ cao trong nước, không tạo bọt khí nên không gây ra các hậu quả như sốc nước, gây tổn thương cá.
Ngoài các phần trình bày chính, hội thảo còn tổ chức hoạt động dẫn khách mời thăm quan thực tế khu vực thí nghiệm hệ thống tại Khoa Thủy sản để có đánh giá khách quan hơn. Các khách mời cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều rất hào hứng có những câu hỏi và thảo luận xung quanh chủ đề công nghệ oxy hòa tan hàm lượng cao từ máy sansolver, bày tỏ thiện chí hợp tác với phía công ty Sanso Nhật Bản và khoa thủy sản triển khai và ứng dụng vào hoạt động nuôi trồng của mình trong thời gian tới.
Bể nuôi sử dụng công nghệ tạo oxy Sansolver (phải) có mật độ nuôi gấp nhiều lần bể đối chứng sử dụng công nghệ sục thông thường (trái).
Thảo Ngân
Trong thời gian tới, máy sansolver sẽ sẽ được tiến hành ở một số hoạt động thí nghiệm khác để chứng minh khả năng vận hành và hiệu quả đạt được. Với những tính năng đó, Sansolver sẽ là triển vọng mới trong nâng cao chất lượng và sản lượng thủy sản trong thời gian tới.
Nguồn :http://nguoinuoitom.vn/