Nhằm giảm chi phí trong quá trình nuôi tôm, tăng lợi nhuận, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã quan tâm đến việc tiết kiệm điện. Dưới đây là kinh nghiệm lắp đặt quạt nước và bố trí thời gian chạy quạt tạo ôxy trong nuôi tôm đảm bảo tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất của nông dân Nguyễn Văn Thù, ngụ ấp Bờ Kinh 1, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang.
Ông Nguyễn Văn Thù (phải) tại ao nuôi tôm của gia đình. |
Ông Nguyễn Văn Thù cho biết, tổng diện tích nuôi tôm của gia đình là 1,2ha, thiết kế 4 ao nuôi và 2 ao lắng. Trong ao nuôi, hàm lượng ôxy là yếu tố quyết định sự tồn tại và quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm. Trong quy trình nuôi tôm, muốn năng suất cao, chất lượng tốt, việc sử dụng quạt nước với các cánh quạt tạo ôxy là điều quan trọng và bắt buộc. Làm sao để sử dụng quạt nước có hiệu quả nhất, người nuôi cần căn cứ điều kiện cụ thể, có biện pháp tạo ôxy phù hợp cho ao. Việc thiết kế, lắp đặt quạt để tạo ôxy có ảnh hưởng không nhỏ đến lượng điện năng tiêu thụ.
Rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Thù đã đúc kết được 02 vấn đề cơ bản giúp tiết kiệm điện hiệu quả: Đối với quạt, khâu lắp đặt cũng ảnh hưởng đến điện năng tiêu thụ. Trục quay của quạt phải thẳng, thì quá trình vận hành sẽ nhẹ hơn nếu trục quạt bị cong, giúp giảm điện năng tiêu thụ. Vị trí lắp đặt quạt tốt nhất nên cách bờ từ 3-5m (hay cách chân bờ 1,5m), sao cho tạo được dòng chảy có tác dụng gom các chất thải, cặn bã vào giữa ao để dễ dàng bơm ra ngoài. Nếu bọt nước tập trung ở giữa ao là lắp quạt đúng. Khoảng cách giữa 02 cánh quạt từ 60-80cm, so le nhau. Tùy theo diện tích ao, bố trí hệ thống quạt nước cần đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm nuôi và gom chất thải vào giữa ao.
Số lượng máy quạt nước sử dụng trong ao tùy thuộc vào mật độ, diện tích ao và khả năng đầu tư. Tùy vào điều kiện cụ thể về kinh tế và diện tích ao nuôi, cần lựa chọn số lượng quạt lắp đặt cho phù hợp. Khi tôm nuôi còn nhỏ, cần lượng ôxy ít, thì lắp ít cánh quạt; số cánh quạt lắp nhiều dần tương ứng với tuổi của tôm.
Về thời gian chạy quạt, vào thời điểm ban ngày, nếu trời có nắng, ao nuôi sẽ tự tạo ôxy nhiều hơn thời điểm trời mát hoặc mưa. Do vậy, nếu trời nắng, có thể giảm thời gian chạy quạt tạo ôxy từ 10-20% thời gian so với những ngày trời mưa hoặc trời mát. Hệ thống gồm có một trục thẳng nối với trục motor điện, trên trục có lắp 10-20 cánh quạt, nên đặt motor ở giữa, 02 bên là những cánh quạt, giúp tiêu thụ điện năng ít hơn, do không phải “gánh” thêm phần trục.
Nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện đồng bộ, trong 03 vụ nuôi vừa qua, với diện tích và con giống nuôi như nhau, ông Nguyễn Văn Thù đã giảm chi phí tiền điện từ 600.000-700.000 đồng/tháng so với trước đây.