“Chúng tôi đã từng dự đoán là sản lượng sẽ giảm thêm 20-25%”, ông Kumar đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Tôm 2019 của Infofish (tổ chức tại Bangkok, Thái Lan).
“Nhưng thật ngạc nhiên khi chúng tôi nhìn vào kết quả nửa đầu năm tài chính từ tháng 4 đến tháng 9, về sản lượng, đã tăng nhẹ”. Mọi người đều dự đoán rằng giá đã giảm từ năm ngoái. Từng rộ lên tin đồn về dịch bệnh bùng phát ở đó, nhưng tin tốt là dữ liệu thực tế cho thấy sản xuất đã tăng lên.
Tại Hội nghị Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GOAL), được tổ chức vào tháng 10 vừa qua (tại Chennai, Ấn Độ), sản lượng tôm của Ấn Độ được dự báo là sẽ giảm vào năm 2019. GOAL dự đoán sản lượng Ấn Độ sẽ duy trì ở mức 600.000 tấn trong các năm 2019, 2020, giảm mạnh so với 700.000 tấn của năm 2018.
Theo dữ liệu của Kumar, sản lượng tôm của Ấn Độ hiện đạt gần 700.000 tấn cho tất cả các loài, trong đó có đến 90% là tôm chân trắng vannamei. Sản lượng đang tăng lên do mức độ mở rộng quy mô diện tích cũng như việc sử dụng năng suất cao hơn trên diện tích hiện tại 172.000 ha.
Một số bang như Gujarat chỉ sản xuất một vụ mỗi năm, trong khi các bang khác thì sản xuất từ hai vụ trở lên, do đó số trại nuôi đang có xu hướng tăng lên, dẫn đến kết quả sản lượng tôm của Ấn Độ tăng.
“Việc tăng diện tích vẫn đang diễn ra, nhưng không nhanh như trước. Việc sản xuất tôm chân trắng vannamei bắt đầu từ năm 2009-2010 thì gia tăng nhanh chóng trong ba hoặc bốn năm nay. Hiện tại, tốc độ gia tăng trong khu vực đã giảm xuống, nhưng năng suất trên mỗi ha diện tích trong mỗi năm lại tăng lên”, ông Kumar cho biết.
Manoj M Sharma, Giám đốc Công ty Nuôi tôm Mayank Aquaculture, đã chia sẻ với các thành viên trong Hội nghị Tôm rằng, thông qua các hình ảnh vệ tinh trước và sau, sẽ biết được quy mô trang trại nuôi tôm đã được mở rộng ở Gujarat.
Tại Hội nghị Tôm Infofish, Cui He – Chủ tịch Liên minh Chế biến thủy sản và Thị trường của Trung Quốc cho biết, các bức ảnh được chụp cho Google Earth trên ba khu vực nuôi tôm (Dumas, Olpad và Mandroi) đã cho thấy: Trong khoảng thời gian 2004-2018, các cụm ao nhỏ đã chuyển thành những mảng lớn màu xanh lá cây thể hiện quy mô diện tích ao dành cho nuôi tôm. Trong khi Ấn Độ vẫn còn diện tích để mở rộng sản xuất thì Trung Quốc lại không còn. “Việc mở rộng diện tích nuôi tôm ở Trung Quốc là bất khả thi”, Cui He nói.
Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm để giải quyết vấn đề dịch bệnh
Không chỉ mở rộng diện tích nuôi để tăng sản lượng, Ấn Độ còn tăng cường các biện pháp phòng trị bệnh tôm, Kumar nói.
Giám đốc Điều hành MPEDA cho biết, là một phần trong Chương trình năm bước để khắc phục dịch bệnh tôm, Ấn Độ sẽ đầu tư một mạng lưới các phòng thí nghiệm nhằm cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn kỹ thuật cho người nuôi tôm.
Kumar cho biết, Chính phủ đang đặt mục tiêu xây dựng 100 phòng thí nghiệm “Aqua One” tại năm bang quan trọng ven biển Ấn Độ, được xây dựng như một phần trong quan hệ hợp tác công-tư.
Mối đe dọa lớn nhất của ngành tôm Ấn Độ là bệnh đốm trắng và ký sinh trùng enterocytozoon hepatopenaei (EHP), được phát hiện lần lượt 8% và 6% trong tổng số mẫu hàng năm.
Tại hội nghị, Kumar đã chia sẻ những cái có thể quan sát được. “Trong suốt vụ đông, từ tháng 8 đến cuối tháng 11, chúng tôi đã phát hiện có nhiều đốm trắng xuất hiện hơn; và trong suốt vụ mùa hè kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề liên quan đến EHP hơn”.
Chính phủ đã công bố thành lập một Cơ sở Kiểm dịch Thủy sản tại Sân bay Chennai (ở tỉnh Tamil Nadu) là sân bay duy nhất của Ấn Độ cho phép nhập khẩu thủy sản bố mẹ từ nước ngoài.
Ngoài ra, cũng trong Chương trình Giám sát Dịch bệnh Quốc gia, bảy viện nghiên cứu quốc gia đã bắt đầu gặp gỡ người nuôi tôm và tổ chức các buổi tư vấn, thúc đẩy thực hành quản lý tốt (best management practices). Kumar còn tuyên bố hiện 10.000 nông dân ở Andhra Pradesh (bang nuôi tôm lớn nhất ở Ấn Độ) đã được áp dụng tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh theo cách này.
MPEDA cũng có nhiều kế hoạch đang được triển khai nhằm loại bỏ việc sử dụng kháng sinh trong hệ thống nuôi tôm ở Ấn Độ.
Đối với những người mới bắt đầu nuôi tôm, MPEDA đang có kế hoạch giới thiệu một chương trình chứng nhận mới, khuyến khích các trại sản xuất giống sử dụng thức ăn không kháng sinh. Trong năm nay, Tổ chức này đã vận hành một trại sản xuất thử nghiệm với chín bể, cố gắng chứng minh cho nông dân địa phương thấy rằng có thể sản xuất ấu trùng tôm mà không cần dùng đến kháng sinh, thông qua sự kết hợp giữa vi khuẩn và chế phẩm sinh học (men vi sinh). Kết quả sẽ có vào cuối tháng 1/2020.
Phiên bản thử nghiệm (của giấy chứng nhận tôm giống) đã được thử nghiệm tại 20 trại sản xuất tôm giống của Ấn Độ, sau đó sẽ chính thức vận hành từ tháng 1 năm 2020. Các hướng dẫn sản xuất tôm giống “không kháng sinh” sẽ được đúc rút từ kết quả của các cuộc thử nghiệm mà MPEDA đã tiến hành trong năm nay, sau đó có thể được sử dụng như một minh chứng về thực hành tốt nhất của các trại sản xuất tôm giống thử nghiệm. Dữ liệu sau đó sẽ được cập nhật vào một hệ thống công khai, minh bạch và được bảo mật an toàn.
Chương trình thí điểm dự kiến kéo dài trong vòng 8 tháng. Chứng nhận đầy đủ sẽ được công bố vào năm 2021. Theo đồng Giám đốc của MPEDA, một khi các trại sản xuất tôm giống áp dụng chứng nhận mới thành công, thì sẽ có một phiên bản riêng được đưa ra, áp dụng cho những người nuôi tôm.
Trước mắt, các lực lượng kiểm tra, giám sát cấp nhà nước đã bắt đầu tổ chức kiểm tra thường xuyên các trại sản xuất tôm giống và các nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản, với các khoản phạt mạnh áp dụng với các nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất bị phát hiện bán các sản phẩm không nhãn mác, hoặc sản phẩm chứa kháng sinh.
Kumar cho biết, kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, các lực lượng đặc nhiệm đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 479 trại sản xuất tôm giống và 1.029 cửa hàng thủy sản.
Ngọc Thúy (Theo undercurrentnews)