Thời gian gần đây, tôm hùm đất Trung Quốc 2 càng đỏ, thân màu đất được bày bán tràn lan trên thị trường với mức giá từ 200.000 – 400.000 đồng tùy từng loại.
Trước tình hình đó, mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương chủ động tham mưu cho trưởng ban để chỉ đạo kiểm soát hiện tượng này, tránh tác động xấu đến nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đối với thị trường nội địa, cơ quan này yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát hệ thống các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thủy hải sản, dịch vụ ăn uống… để có biện pháp quản lý và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Văn phòng Thường trực cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, tiêu thụ loài tôm càng đỏ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Đồng thời tập trung nắm bắt tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới, nhất là các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, điểm tập kết để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép mặt hàng này.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng liên tục bắt được số lượng lớn tôm càng đỏ được nhập về Việt Nam qua các cửa khẩu giáp với Trung Quốc. Tuy nhiên, tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ, tên khoa học Cherax quadricarinatus) được coi là ngành kinh doanh tỷ đô của Trung Quốc nhưng lại bị cấm tiêu thụ tại Việt Nam.
Tôm hùm đất đang gây sốt trên thị trường nwhng bị cấm tiêu thụ tại Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Theo các chuyên gia, tôm càng đỏ nguy cơ phá hỏng hệ sinh thái, vì loài này ăn tạp, ăn tất cả thủy sinh, chèn ép các loài sinh vật khác trong môi trường nước khiến chúng không còn thức ăn. Thậm chí, loại tôm này có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, tôm, cá nhỏ.
Mới đây, Tổng cục Hải quan vừa ban hành văn bản số 3189 yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục, đội kiểm soát hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu tôm càng đỏ; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép mặt hàng này qua các cửa khẩu phụ, lối mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới.
Theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 7 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại”.
Căn cứ phụ lục VIII ban hàng kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sinh được phép kinh doanh tại Việt Nam; căn cứ theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường thì mặt hàng này thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Theo ông Nguyễn Quang Huy – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đại diện đơn vị duy nhất được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu, cho biết, nguyên nhân loại này bị cấm tại Việt Nam là chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. Sau khi nghiên cứu, phía Viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi, tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến…
Khả năng thích nghi tốt với môi trường biến chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.
Khi sống trong môi trường tự nhiên thuận lợi, tuổi thọ của một con tôm hùm đất có thể lên tới 30 năm. Thậm chí, sức sống của loài tôm này càng mãnh liệt hơn với khả năng tái sinh lại chân hay càng nếu chúng bị đứt trong các cuộc chiến.
Trước đó, Bộ NN-PTNN đã đưa ra công văn khẳng định tôm càng đỏ không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Theo quy định, muốn nhập khẩu tôm hùm đất vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ NN-PTNT.
Theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
P.V (tổng hợp)