Ngành tôm Việt Nam đã “vượt qua” nhiều đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador ở các thị trường khó tính để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng hơn 1,5 tỷ USD.
Mỗi ngày, công ty thủy sản Sóc Trăng thu mua chế biến từ 90-100 tấn tôm nguyên liệu nhờ có đơn hàng xuất khẩu (XK) sang Mỹ, EU dồi dào.
Đơn hàng dồn dập, làm không hết việc
Ông Tạ Văn Vững, đại diện công ty thủy sản Sóc Trăng, cho biết tính tới thời điểm này, công ty đạt kim ngạch XK 100 triệu USD, tăng trưởng trên 10% so với 2019. Hiện nay, các thị trường lớn đều có động thái tăng lượng đơn hàng. Hơn nữa, sau khi EVFTA có hiệu lực, tận dụng thuế suất về 0%, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tìm đến tôm Việt Nam.
XK tôm các loại 6 tháng đầu năm 2020 đạt 166,7 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ USD. |
Tương tự, nhờ ký được nhiều hợp đồng XK nên công ty chế biến XNK Minh Cường (Cà Mau) đang hoạt động tối đa công suất nhà máy, sản lượng làm không đáp ứng đơn hàng mà khách đã ký.
Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này đã chuyển sang nhập khẩu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2020, công ty này XK tôm được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, XK tôm các loại 6 tháng đầu năm 2020 đạt 166,7 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 5,7% về trị giá so với cùng kỳ 2019.
6 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch COVID-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định. Tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.
Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm XK tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên. Với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Với thị trường EU, EVFTA có hiệu lực, ngành tôm có nhiều lợi thế cạnh tranh. Năm 2019, XK tôm sang EU đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 15% so với mức XK thủy sản cả nước. Với EVFTA, tôm sú giảm từ mức thuế 4,2% về 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh giảm về 0% sau 5 năm. Trong khi đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador phải chịu mức thuế rất cao.
Thiếu nguyên liệu sạch
Dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm tiếp tục tăng nhưng vấn đề của ngành tôm hiện nay là phát triển vùng nguyên liệu. Nhu cầu tôm sạch chế biến cao nhưng không có nhiều vùng nuôi tôm sạch ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có thể cung ứng được, chưa kể tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp khiến nguồn cung nguyên liệu tôm khá khan hiếm.
Đồng thời, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho rằng cần phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để nâng tầm, nâng giá trị tôm Việt trên trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam trên trường quốc tế là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tranh thủ thời cơ của từng lãnh đạo.
Để tăng sức thuyết phục khách hàng, để thương hiệu được ổn định và bền vững, đòi hỏi DN tôm phải có sự chuẩn bị dài hơi như phải có vùng nuôi tầm cỡ. Vùng nuôi này do DN tự nuôi hay liên kết với các trang trại, hộ nuôi. Tất cả phải đạt chuẩn chất lượng nuôi có xác nhận nhằm nâng tầm thương hiệu.
Ở thị trường nội địa, ông Lực nhận định, DN có thể phối hợp các hệ thống phân phối đang có hay xây dựng kênh tiêu thụ riêng. Thậm chí có tài chính mạnh như các DN Trung Quốc để làm kênh tiêu thụ online toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành tôm phải đạt kim ngạch XK trên 3,5 tỷ USD trong năm nay. Vì vậy, ngành này cần phải đặc biệt coi trọng công tác giống. Riêng tôm thẻ, một năm nước ta cần khoảng 250 cặp tôm bố mẹ và hiện nước ta làm chủ công nghệ hơn 40%, tiến tới trong thời gian tới làm chủ để có cơ sở nghiên cứu ương tạo ra những đàn giống nước đủ sức cung ứng cho sản xuất đại trà 100%.
Bên cạnh đó, con tôm sú Việt Nam bắt đầu nhân ra con tôm giống có giá trị kinh tế cao cộng điều kiện thích ứng lớn, cùng với đó là một số chủng loại tôm khác (thậm chí là tôm càng xanh) nước ta cũng đang tập trung tạo chuỗi con giống, tạo quy trình nuôi trồng, chế biến dịch vụ.
Ông Cường nhấn mạnh: “Ngành tôm Việt Nam không chỉ thu về 3,5 – 4 tỷ USD mà sau 2025-2030 phải đạt 10 tỷ USD”.
Thy Lê – https://thoibaokinhdoanh.vn/