Nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến tôm nuôi tại huyện Quảng Điền bị bệnh đốm trắng.
Người nuôi ở Sịa kiểm tra ao nuôi
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Ông Hồ Xuân Vinh ở thị trấn Sịa là một trong những người có thâm niên nuôi tôm trên đầm phá Tam Giang, cũng là hộ có diện tích nuôi khá lớn với 4 hồ rộng hơn 1 ha. Dù tích lũy kinh nghiệm gần 20 năm nuôi tôm sú, nuôi xen ghép nhưng vụ nuôi này ông Vinh vẫn “bó tay” trước tình dịch bệnh, tôm chết do nắng nóng gay gắt, kéo dài.
“Không chỉ nắng nóng, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, ngày nắng nóng, chiều tối mưa dông khiến tôm không kịp thích nghi, chết đột ngột hoặc bị bệnh. Các hộ nuôi cũng không thể “bắt kịp” thời tiết thất thường nên thiếu sự chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Khi tôm xảy ra dịch bệnh thì đã muộn, nhất là bệnh đốm trắng không có thuốc đặc trị. Nhiều hộ nuôi đành nhìn tôm chết, chấp nhận trắng tay”, ông Vinh lý giải.
4 ao hồ nuôi tôm sú, xen ghép của ông Vinh, trong đó có đến 3 hồ bị chết gần như hoàn toàn, hồ còn lại chết khoảng hơn một nửa. Nếu không bị dịch, chỉ chừng hai tháng nữa cho thu hoạch, 4 hồ tôm có thể lãi 200 triệu đồng. Giờ đây không chỉ thất thu mà còn bị lỗ nặng. Ông Vinh nhẩm tính, nuôi 4 hồ, chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, công chăm sóc, điện nước… trong 3 tháng nuôi ước 300 triệu đồng, đó cũng là con số thiệt hại.
Đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn Sịa có hơn 50% diện tích nuôi tôm, tôm xen ghép của hơn 20 hộ dân bị dịch bệnh đốm trắng và các loại bệnh môi trường. Ước thiệt hại do dịch bệnh, tôm chết toàn thị trấn trên dưới 5 tỷ đồng.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền, bà Trần Thị Thanh Nhã thông tin, mấy năm gần đây, mặc dù huyện Quảng Điền khuyến khích đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nuôi xen ghép, nhưng con tôm vẫn là chủ đạo. Dịch bệnh trên tôm nuôi lâu nay vẫn là bài toán nan giải đối với huyện Quảng Điền.
Theo bà Nhã, dịch bệnh trên tôm năm nay diễn biến phức tạp hơn so với những năm trở lại đây. Tính đến ngày 28/7, toàn huyện có khoảng 110 ha tôm nuôi của 80 hộ bị bệnh môi trường và bệnh đốm trắng. Trong đó, có 44 ha/78 hộ tôm bị bệnh đốm trắng (cao hơn 32 ha/55 hộ so với cùng kỳ năm trước). Toàn huyện có khoảng 80 hộ nuôi bị thiệt hại trên dưới 20 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ mất trắng.
Bà Trần Thị Thanh Nhã cho rằng, mấy năm gần đây không có lũ lớn tẩy rửa môi trường nên dư lượng các chất độc hại trong ao nuôi, đầm phá vẫn còn tồn đọng.
Chất lượng con giống kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm dịch bệnh. Lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nuôi, còn lại phải mua các tỉnh khác. Các trại sản xuất giống chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ các điều kiện, yếu tố đảm bảo chất lượng. Tâm lý người dân ham rẻ, ngại tốn chi phí nên không kiểm tra chất lượng giống tại chỗ bằng máy PCR. Khi giống vận chuyển về địa phương lại không đưa đến kiểm tra bằng máy PCR.
Thường xuyên kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường thích hợp
Sục khí thường xuyên, một trong những biện pháp ứng phó nắng nóng
Dự báo từ nay đến tháng 8, thời tiết nắng, mưa thất thường, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm, thay đổi đột ngột nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra rất lớn.
Theo kinh nghiệm nuôi tôm của ông Phan Lành ở thị trấn Sịa – người có nhiều ao hồ nuôi đến nay vẫn an toàn, đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, ông giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; bổ sung thêm vitamin C, khoáng vi lượng, sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Ông Lành cũng như nhiều hộ nuôi thường sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi.
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền khuyến cáo, người dân phải thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường trong giới hạn thích hợp, theo quy định và theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Mực nước trong ao phải duy trì tối thiểu 1,3-1,5m, nếu cần bổ sung nước thì phải lấy vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao lắng để xử lý môi trường trước khi cấp vào ao nuôi; sử dụng quạt nước, hoặc sục khí vào thời điểm thích hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu, cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân trong việc quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo trên vùng đầm phá, trong ao hồ, nhất là thời điểm nắng nóng. Các hộ nuôi cần duy trì ổn định độ pH trong giới hạn cho phép bằng vôi bột, vôi Dolomite đúng liều lượng và đúng thời điểm trong ngày…
Nguồn:https://baothuathienhue.vn