Bạn tìm thông tin gì?

Giá tôm hùm nhích lên, những người nuôi vẫn không có lãi

Tôm hùm
Tôm tăng trở lại, nhưng người nuôi tôm không có lãi

Khoảng nửa tháng nay, giá tôm hùm thương phẩm đã tăng trở lại so với thời điểm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, mức giá thu mua tôm hùm thương phẩm đã gần bằng giá tôm mọi năm. Tuy nhiên, theo người nuôi tôm, giá tôm dù đã tăng đáng kể nhưng người nuôi tôm vẫn không có lãi.

Những ngày gần đây, nhiều hộ nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu đã thu hoạch tôm nhiều hơn. Theo ghi nhận, kích cỡ tôm thương phẩm được các thương lái thu mua thời điểm này lớn hơn các năm trước do thời gian nuôi kéo dài hơn. Theo người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, giá tôm hùm xanh hiện có giá từ 550.000-650.000 đồng/kg (tăng khoảng 70.000-100.000 đồng/kg); tôm hùm bông từ 1,3-1,5 triệu đồng/kg (tăng khoảng 200.000 đồng/kg).

Hiện trên địa bàn thị xã Sông Cầu có khoảng 1.365 hộ nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với số lượng khoảng 70.000 lồng tôm hùm thịt và khoảng 4.450 lồng tôm hùm ương. Sản lượng tôm hùm thương phẩm thu hoạch mỗi ngày khoảng trên 15 tấn. Với mức giá thu mua tôm hùm hiện nay, nếu như mọi năm người nuôi tôm đã có lãi khoảng 10%. Tuy nhiên, năm nay  người nuôi tôm đa phần không có lãi hoặc lãi rất ít… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 xuất khẩu khó khăn, tôm hùm chủ yếu tiêu thụ nội địa với số lượng ít, phải kéo dài thời gian nuôi, dẫn đến chi phí tăng cao .

Sở NN&PTNT cho biết, đang phối hợp với các địa phương nắm lại tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. UBND thị xã Sông Cầu, cũng đưa ra khuyến cáo đối với lượng tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, giám sát người nuôi mới theo đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể; các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và mở rộng thị trường nội địa… Theo Tổng cục Thủy sản, Trung Quốc là thị trường chiếm thị phần rất lớn đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, hiện nước này đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mặt hàng tôm hùm bắt đầu xuất khẩu trở lại, thị trường tôm hùm hy vọng sẽ sớm khởi sắc.

Theo Tổng cục Thủy sản, trước tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước, đầu tư vào chế biến sâu để cung cấp cho phân khúc bán lẻ ở các thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp tăng cường giữ liên hệ với các nhà nhập khẩu nhằm nắm bắt kịp thời tình hình tiêu thụ, qua đó thực hiện xuất hàng nhanh nhất, giúp tối ưu hóa lợi nhuận cho cả doanh nghiệp tiêu thụ và người nuôi tôm hùm.

An Bang, Quốc Hoàn PTTT Phú Yên

Trả lời