Bạn tìm thông tin gì?

Sóc Trăng: Khuyến cáo nuôi tôm trong điều kiện chuyển mùa, thời tiết bất thường

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Mỹ Xuyên nói riêng đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của các hộ dân

Theo dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ nửa cuối tháng 5, tỉnh Sóc Trăng sẽ chính thức bước vào mùa mưa, tuy nhiên nền nhiệt vẫn ở mức cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn (26 – 35 độ C).

Trong điều kiện nắng nóng xen kẻ những trận mưa đầu mùa dể làm cho môi trường ao nuôi bị biến động mạnh, sức đề kháng của tôm nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát triển.

Nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi của thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, giảm tỷ lệ tôm thiệt hại, góp phần cho vụ tôm năm 2020 được thành công, Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo người nuôi một số vấn đề cần lưu ý trong thời điểm hiện nay:

– Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp; đặc biệt chú ý các yếu tố pH, độ kiềm, oxy, khí độc rất dể biến động theo hướng bất lợi cho tôm sau những cơn mưa lớn.

– Chủ động bón vôi xung quanh bờ ao trước khi mưa: vôi CaCO3 với liều lượng 10kg/100m2, tránh giảm pH, độ kiềm đột ngột và hạn chế nước ao bị đục sau mưa.

– Tháo bỏ phần nước mưa trên mặt (đối với những cơn mưa lớn), tránh gây sốc độ mặn, nhiệt độ đột ngột sau mưa.

– Sau khi mưa kiểm tra lại pH và độ kiềm, sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite khoảng 10-15kg/1.000m3 để điều chỉnh pH và độ kiềm cho phù hợp.

– Định kỳ xử lý nền đáy ao bằng các chế phẩm sinh học và thả ghép với một số loài thủy sản khác như: cá rô phi, cá điêu hồng…. để góp phần xử lý chất thải trong ao, làm sạch môi trường và hạn chế dịch bệnh xảy ra.

– Tăng cường chạy quạt vào ban đêm và sau khi trời mưa để tránh hiện tượng phân tầng nước gây sốc cho tôm.

– Định kỳ sử dụng khoáng tạt vào ban đêm để kích thích tôm lột xác đồng loạt, mau cứng vỏ và hạn chế tối đa tôm bị sốc trong thời điểm lột xác.

– Vào những ngày nắng nóng hoặc mưa liên tục hoặc quan sát thấy tôm lột xác… cần giảm 20-30% lượng thức ăn tránh dư thừa gây ô nhiễm ao nuôi.

– Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa cho tôm.

– Quan sát kỷ hoạt động của tôm, tình hình sức khỏe tôm nuôi (màu sắc, các phụ bộ, đường ruột, khả năng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng,…) để có hướng xử lý kịp thời.

– Định kỳ lấy mẫu nước ao nuôi và/hoặc mẫu tôm đến các Phòng xét nghiệm kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi. Nếu thấy mật độ vi khuẩn vượt ngưỡng giới hạn cho phép cần tiến hành diệt khuẩn.

– Dự trữ đủ các loại vôi, khoáng chất, các chất xử lý môi trường, nhiên liệu,… để xử lý kịp thời các tình huống xấu thường xảy ra trong mùa mưa.

– Đối với những ao chuẩn bị thả giống, cần theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chọn ngày thả cho thích hợp; tránh thả giống vào những ngày mưa lớn hoặc ngay sau những ngày mưa lớn vì rất dể gây sốc cho tôm con, giảm tỷ lệ sống.

– Thả giống kết thúc trong tháng 6/2020 để đảm bảo thời gian lắp lại vụ lúa, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin diễn biến về môi trường, thời tiết, dịch bệnh để chủ động trong sản xuất.

Khuyến cáo nuôi tôm trong điều kiện chuyển mùa, thời tiết bất thường

Còn theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, tính tới thời điểm hiện tại, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn thị xã là 2.844ha/3.248 hộ, trong đó, tôm thẻ 2.350ha/2.621 hộ, tôm sú 494ha/627 hộ và diện tích thiệt hại 110ha/175 hộ, chiếm 3,9% diện tích thả nuôi (tôm thẻ 91,5ha/141 hộ; tôm sú 19,3ha/34 hộ). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm thiệt hại là môi trường nước ao nuôi chưa đạt yêu cầu, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, đặc biệt là chất lượng con giống thả nuôi không đảm bảo.

Do là địa phương có diện tích thả nuôi tôm lớn và đã thắng lợi trong các vụ nuôi liên tiếp, nổi bật là mùa vụ tôm 2019, TX. Vĩnh Châu đạt năng suất, chất lượng tôm nuôi ở mức cao. Vì vậy, Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu đã triển khai các giải pháp cho vụ nuôi tôm là khuyến cáo người dân phải thả nuôi theo đúng lịch thời vụ để quản lý tốt dịch bệnh, thả nuôi rải vụ, thả nuôi tùy theo khả năng đầu tư và trình độ chuyên môn, kỹ thuật (khi có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vốn, xử lý môi trường ổn định thì mới tiến hành thả giống); tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi tôm, nhất là về quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh; lựa chọn con giống, vật tư có chất lượng tốt; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình phục vụ sản xuất, nhất là các công trình thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi.

Mặt khác, chỉ đạo các xã, phường chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, độ mặn; làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi…; đổi mới công tác tập huấn, tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cảnh báo dịch bệnh đến người nuôi tôm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý chặt hơn nữa chất lượng con giống, vật tư đầu vào…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã thông tin: “Trước tình hình thời tiết chuyển mùa như hiện nay, giải pháp tốt nhất cho mùa vụ tôm nuôi nước lợ là cần tiếp tục biện pháp nuôi rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro và theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; quan trắc môi trường nước, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào đầu ra trong nuôi thủy sản, điều kiện cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tổ chức sản xuất nuôi tôm từ các hộ nhỏ lẻ thành các tổ nhóm nuôi tôm để có sự đồng quản lý về môi trường và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Qua đó, khuyến cáo người dân không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm và hạn chế tối đa việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến các quy trình nuôi tôm tiên tiến nhằm giảm chi phí, kiểm soát tốt dịch bệnh trong ao nuôi…”.

Duy Minhhttps://moitruong.net.vn/

Trả lời