Hỏi: Mật độ tảo có ảnh hưởng như thế nào trong ao nuôi tôm nước lợ, hướng dẫn cách điều chỉnh mật độ tảo phù hợp?
(Nguyễn Văn Hùng, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Mật độ tảo phù hợp tạo thuận lợi cho tôm sinh trưởng tốt. Mật độ quá cao kết hợp độ kiềm thấp dưới 80 mg/l sẽ làm pH biến động lớn trong ngày và ôxy ban đêm < 3 mg/l. Mật độ tảo quá cao dẫn tới hiện tượng nở hoa và gây ô nhiễm môi trường. Mật độ tảo thấp cũng không thuận lợi cho tôm phát triển. Cần duy trì mật độ tảo vừa phải, tương ứng với độ trong từ 30 – 45 cm.
Nếu mật độ tảo cao, thay 20 – 30% nước ao nuôi bằng nước sạch hoặc dùng chế phẩm sinh học diệt tảo (liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm), sau đó đánh men vi sinh để phân hủy xác tảo, xi phông đáy và bổ sung nước mới sạch giúp ổn định môi trường.
Nếu mật độ tảo thấp, sử dụng đạm (0,2 – 0,4 kg/1.000 m3) kết hợp lân P2O5 (0,3 – 0,6 kg/1.000 m3) hòa tan tạt đều khắp ao, những ao khó lên màu bón thêm bột zeolite hoặc dolomite liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3.
Hỏi: TTCT nuôi trong ao được 2 tháng, có hiện tượng phát sáng vào ban đêm. Xin hỏi cách phòng trị?
(Hoàng Duy Bình, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Trả lời:
Nguyên nhân gây hiện tượng phát sáng là ao bị ô nhiễm, do Vi khuẩn Vibrio harveyi; hoặc tảo 2 roi Dinoflagellate; hàm lượng photpho trong nước, đất tăng cao.
Do vi khuẩn: Xử lý nguồn nước bằng hóa chất diệt khuẩn là iotdine 30%, liều lượng: 2 lít/1.000 m3; bổ sung vitamin và chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn cho tôm ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của tôm; Bổ sung nước ngọt làm giảm độ mặn trong nước ao nuôi xuống dưới 15‰ để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Do tảo và photpho cao: Ban đêm quan sát ao thấy có hiện tượng chớp tắt như sao đêm; tôm di chuyển cũng thấy những vệt sáng màu xanh. Sử dụng nước vôi trong, vì Ion Ca2+ có khả năng kết hợp với PO43- tạo thành Ca3(PO4)2 và kết tủa lân xuống đáy ao, làm giảm sự phát triển của tảo trong ao. Liều lượng: 30 kg CaO/1.000 m3 nước ao nuôi. Cách làm: Hòa tan CaO trong nước, để trong thời gian 10 – 12h, lấy nước trong, té xuống ao nuôi vào thời điểm 2 – 3h sáng.
Hỏi: Xin hỏi ngưỡng nhiệt độ thích hợp của các loài tôm nuôi?
(Lê Thành Nam, xã Vĩnh Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)
Trả lời:
Mỗi loài tôm có ngưỡng nhiệt độ khác nhau, như tôm càng xanh sẽ chết nếu nhiệt độ nước xuống 13 – 140C kéo dài, tôm sú sống tốt ở nhiệt độ 350C nhưng tỷ lệ sống chỉ còn 60% nếu nhiệt độ tăng lên 37,50C và giảm tiếp xuống 40% nếu nhiệt độ tăng lên 400C. Nhiệt độ thích hợp nhất là 28 – 320C đối với tôm sú nuôi thương phẩm. Với tôm lớt (Penaeus merguiensis) ở 340C tỷ lệ sống 100%; ở 360C chỉ còn 50% tôm hoạt động bình thường, 5% tôm chết; ở 380C 50% tôm chết, ở 400C 75% tôm chết. Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), nhiệt độ nước thích hợp nhất là 25 – 320C, không vượt quá 33,50C, không thấp dưới 180C.