Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 cho 8 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu khơi dậy quyết tâm vượt khó và thúc đẩy ngành tôm tiếp tục phát triển, khẳng định thế mạnh kinh tế hàng đầu của khu vực.
Nông dân tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm công nghiệp. Ảnh: Phong Phú
BẠC LIÊU DẪN ĐẦU SẢN LƯỢNG TÔM
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hạn hán và những cơn mưa trái mùa đã gây biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả tôm nuôi. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ thả tôm năm 2020 và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tác động đến sức mua của thị trường xuất khẩu nên tốc độ thả tôm nuôi còn chậm, nông dân còn có tâm lý thả nuôi thăm dò, chưa thả hết diện tích và chờ điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt là thị trường ổn định mới tập trung thả nuôi hết diện tích.
Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích tôm thả nuôi tính đến nay khoảng 481.534ha (bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, tôm sú là 457.420ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 22.132ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng sản lượng tôm tính đến hết tháng 4/2020 đạt hơn 168.000 tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang. Qua đó, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 3/2020 đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019).
Riêng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, theo báo cáo từ Cục Thú y, từ đầu năm đến thời điểm này có trên 15.950ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 990,87ha thiệt hại do mắc bệnh, 469,08ha do môi trường và 14.490,31ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần và diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83 lần.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên thế mạnh về nuôi trồng thủy sản được phát huy. Sản lượng tôm năm 2019 đạt 155.000 tấn (đứng thứ 2 cả nước) và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 690 triệu USD, tăng khoảng 46% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 496ha; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín cho năng suất cao, doanh thu lớn; mô hình canh tác tôm – lúa bền vững bởi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% (từ 35 – 50 triệu đồng/năm) so với độc canh cây lúa, nuôi tôm, nhất là mô hình này tránh được việc lạm dụng thuốc kháng sinh, bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm dễ vượt qua các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu, đang được nhân rộng ở các tỉnh.
Riêng phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bạc Liêu hiện có 12 công ty và 324 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao có thể kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí lại hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải biogas đang dần hình thành…
Qua 2 – 3 vụ nuôi vừa qua tại Bạc Liêu, các mô hình cho kết quả khả quan, tôm nuôi hầu như ít bị dịch bệnh, tỷ lệ thành công của mô hình cao, chiếm khoảng 85 – 90% và cho năng suất bình quân đạt hơn 21 tấn/ha/năm,
Hiện Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước. Đặc biệt, Bạc Liêu là tỉnh duy nhất cả nước có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm duy nhất cả nước, hiện đang thi công xây dựng được khoảng 80% khối lượng hạ tầng của giai đoạn 1, dự kiến sẽ lựa chọn và cho doanh nghiệp vào đầu tư từ tháng 6/2020 nhằm lan tỏa công nghệ trong nuôi tôm.
Dự báo thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D
QUYẾT TÂM VƯỢT KHÓ VÀ TĂNG TRƯỞNG CAO
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn diễn biến khó lường và diễn ra sớm hơn dự báo. Cùng với đó, hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, đặc biệt là vùng ven biển ĐBSCL. Thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan cũng sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Thêm vào đó, tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến người nuôi chưa thể thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với vùng khó điều tiết nước ngọt sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất.
Về tình hình thị trường và xuất khẩu tôm năm 2020, thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước. Đặc biệt, dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại
Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo thị trường xuất khẩu năm nay cũng mở ra nhiều hướng đi mới và tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm. Đơn cử, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu đối với hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác (Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA và bị mức thuế cơ bản 12%. Hay Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2% và Ecuador thuế cơ bản là 12%).
Thêm vào đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018. Nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Giới thiệu sản phẩm phục vụ nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D
Thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn thứ ba là Nhật Bản với kim ngạch năm 2019 ước đạt 626 triệu USD, giảm 2% so với năm 2018. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,7%. Việc xuất khẩu tôm sang Nhật Bản năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018 là nhờ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Năm mới, Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 sẽ chững lại vào quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sau đó sẽ hồi phục và dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 3 – 4% so với năm 2019 đạt 3,45 – 3,5 tỷ USD. Do vậy, các địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm năm 2020 với nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng cao. Qua đó, đưa con tôm tiếp tục trở thành kinh tế mũi nhọn của khu vực ĐBSCL và cả nước.
KIM TRUNG
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường: Tăng cường công tác quản lý con giống và thức ăn, chế phẩm
Để tiếp tục nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm mặt hàng tôm Việt Nam trên thế giới, tới đây chúng ta cần tập trung vào các trục trong quy trình sản xuất như: Khâu nuôi trồng tạo ra sản phẩm nguyên liệu thì cần thay đổi phương thức canh tác để tăng sản lượng cho vùng chuyên canh tôm – rừng, tôm – lúa. Bởi đây là vùng thâm canh còn kém, rất quảng canh với năng suất thấp. Còn đối với diện tích thâm canh, cần phải tiến hành tổng rà soát lại để tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ ở từng giai đoạn, hộ nuôi cũng phải áp dụng công nghệ. Dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giữa người nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp để hình thành các khu nuôi khép kín từ tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến và xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với con giống, các sản phẩm dịch vụ từ thức ăn, chế phẩm… thì khâu này cần sự vào cuộc một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, khống chế được tình hình dịch bệnh, nâng cao chất lượng nguồn tôm nguyên liệu. Mặt khác, trong phát triển ngành tôm, không quá chú ý đến việc mở rộng diện tích mà cần chú ý đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng các phương thức canh tác nuôi tôm bền vững, hiệu quả, sử dụng các chế phẩm sinh học để thay thế cho các chế phẩm hóa học; nuôi với mật độ quản trị vừa phải, ứng dụng thâm canh vừa phải để tạo ra những dòng sản phẩm sạch hơn, cùng với đẩy mạnh chế biến sâu để chúng ta tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn.
KIM TRUNG (lược ghi)
Chủ tịch UBND tỉnh – Dương Thành Trung: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay
Để ngành tôm tiếp tục phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người nông dân, Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa mặt hàng thức ăn nuôi tôm vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, vì hiện nay theo Nghị định 177/2013 của Chính phủ thì trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắc-xin phòng bệnh là thuộc danh mục này.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cho tỉnh sớm xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép nhằm chủ động trong sản xuất. Giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.
Để đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, kiến nghị với Bộ NN&PTNT làm việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp kéo dài thời gian đáo hạn, giảm lãi suất ngân hàng cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; làm việc với ngành Thuế về nghiên cứu các giải pháp miễn, giảm, hoãn hoặc gia hạn nộp thuế để các công ty, doanh nghiệp có vốn tái sản xuất – kinh doanh, trả lương người lao động. Có giải pháp phù hợp để thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông – lâm – thủy sản, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài ra, kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ Bạc Liêu trong việc xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm tiền đề xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
CHÍ LINH (lược ghi) – http://www.baobaclieu.vn/