Virus decapod iridescent (Div1) bùng phát tại Trung Quốc, hay còn được gọi là virus hemocyte iridescent (SHIV) không phải là một hiểm họa với ngành tôm toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về khả năng virus này biến chủng, và gây tỷ lệ chết cao hơn trên tôm.
Ngày 12/4, South China Morning Post đăng thông tin về một đợt bùng phát virus Div1 tại miền Nam Trung Quốc và nhấn mạnh dịch bệnh này khiến người nuôi tôm tại đây đều phải khiếp sợ. Theo ghi nhận của hãng tin này, ¼ diện tích ao nuôi tôm tại tỉnh Quảng Đông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt còn nông dân thì bất lực đứng nhìn.
Sau đó, Cơ quan NTTS ven biển Ấn Độ đã yêu cầu tất cả hãng nhập khẩu tôm và trại tôm giống tại Ấn Độ phải cảnh giác cao độ với virus Div1. Một chuyên gia làm việc cho một trong những công ty nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ đã chia sẻ với Undercurrentews: suốt 24 giờ qua, chuyên gia này nhận được email liên tục hỏi về đợt bùng phát Div1.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng khả năng về các đợt bùng phát SHIV ngoài Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu và tài liệu khoa học khẳng định sự lây lan SHIV và độc lực của virus.
Nguồn gốc lây lan Div1 tại Trung Quốc vẫn chưa được làm rõ, nhưng có nhiều khả năng do các trại giống đã không sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh. Theo chuyên gia nói trên, virus SHIV cũng được phát hiện trong giun nhiều tơ Trung Quốc – nguồn thức ăn sống mà các trại giống Trung Quốc thường sử dụng cho ấu trùng tôm. Do đó, giun nhiều tơ đã trở thành một vật trung gian mang mầm bệnh cho tôm post và làm dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Quảng Đông hồi đầu tháng 4 vừa qua.
SHIV được phát hiện lần đầu vào năm 2014 tại Zhejiang, Trung Quốc. Từng được cảnh báo là một dịch bệnh “hủy diệt”, nhưng thực tế thì không như vậy. Tuy nhiên, rất nhiều công ty nuôi tôm tại khu vực Đông Nam Á cũng từng rất lo ngại về dịch bệnh này. Cũng như họ đã từng rất lo lắng khi virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV) xuất hiện ở Indonesia và lan khắp Đông Nam Á. Tới nay, dịch bệnh này vẫn bám riết ngành tôm Indonesia, và xa hơn là Brazil.
Tôm thẻ nhiễm SHIV phát triển các triệu chứng khi trưởng thành, thông thường trong 30 ngày nuôi đầu tiên sau khi thả vào ao. Những triệu chứng này gồm teo gan tụy, màu nhạt dần, dạ dày và ruột rỗng, vỏ mềm, theo Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) ghi nhận năm 2014. Theo GAA, tôm bị nhiễm bệnh sẽ chết hàng loạt. Trong một email gửi Undercurrentnews, GAA cho biết nhóm nghiên cứu của tổ chức này tại Trung Quốc đang điều tra các báo cáo mới đây về đợt bùng phát Div1 tại Quảng Đông.
Các chuyên gia của GAA cũng cho rằng đợt virus gây ra đợt bùng phát Div1 tại tỉnh Quảng Đông là một chủng virus mới. Chưa có nhiều tài liệu khoa học làm rõ các chủng virus SHIV nhưng tháng 2/2020, GAA đã ghi nhận trường hợp xuất hiện virus Div1 trong tôm càng xanh tại Trung Quốc. Đáng chú ý, số tôm càng xanh này đang được nuôi ghép với tôm thẻ. Điều này đặt ra giả thiết, Div1 lây từ tôm thẻ sang tôm càng xanh và virus gây đợt bùng phát Div1 mới đây tại Trung Quốc có thể là virus bị biến chủng và có khả năng gây ra tỷ lệ chết trên tôm cao hơn. Tuy nhiên, SHIV là một virus DNA, nó có thể biến chủng thấp hơn virus đầu vàng – một virus RNA.
Hiện, SHIV chưa được liệt kê vào danh sách dịch bệnh gây hại sức khỏe vật nuôi của Tổ chứ Thú y Thế giới (OIE). Do đó, trong hầu hết các chương trình giống bố mẹ sẽ không xét nghiệm dịch bệnh này và phần lớn chính phủ các nước cũng không yêu cầu xét nghiệm Div1. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia thì đây lại là một kẽ hở và đôi khi gây ra sự chủ quan trước Div1 hay SHIV.