Con tôm được các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nơi đây đang ra sức xây dựng ngành tôm để trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước. Tuy nhiên, trước khó khăn mặn xâm nhập, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ngành kinh tế mũi nhọn này cũng đang lao đao.
Càng nuôi càng lỗ
Gần một tháng nay, giá tôm giảm kỷ lục, thậm chí có nơi bán một kg tôm không mua được một kg thịt lợn. Đó là thực trạng đáng buồn với nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Theo bà con nông dân, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay – chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm 50%. Trước Tết Nguyên đán 2020, giá tôm sú (loại 30 con/kg) là 300.000 đồng/kg, nay thương lái mua với giá chỉ 130.000-150.000 đồng/kg, giảm khoảng 50%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá tôm sú (tùy loại) giảm từ 100.000 – 150.000 đồng/kg. Còn giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt (loại 100 con/kg) hiện nay chỉ từ 75.000-80.000 đồng/kg (giảm gần 25.000 đồng/kg).
Trong khi giá tôm giống, giá vật tư thủy sản, giá nhân công tăng nhưng giá tôm lại giảm sâu khiến cho các hộ nuôi tôm lao đao. Anh Lê Thanh Tiện (ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) đầu tư hơn 500 triệu đồng để nuôi 4 ao tôm. Do nắng nóng, độ mặn tăng cao nên 3 ao tôm nuôi chết, chỉ còn 1 ao, nhưng tôm lại rớt giá. Tính ra, vụ tôm nuôi này, anh Tiện lỗ hơn 300 triệu đồng.
Hộ ông Ngô Thành Cư (ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cũng đang hoang mang vì giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Ông Ngô Thành Cư cho biết: “Gia đình tôi có 2 ao nuôi tôm công nghiệp, mỗi ao khoảng 2.000m2. Hiện, tôm khoảng 110 con/kg. So với trước dịch bệnh COVID-19, kích cỡ tôm này đã có lãi. Nhưng với giá tôm như hiện nay, nếu thu hoạch sẽ lỗ nên tôi phải nuôi cho tôm về khoảng 30-40 con/kg mới dám thu hoạch. Mong lúc đó, giá tôm phục hồi như trước khi xảy ra dịch”.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng cũng không dám thả nuôi vì giá tôm quá thấp, nguồn nước ô nhiễm, giá vật tư đầu vào quá cao. Nếu đầu tư vào thời điểm này sẽ không có lãi.
“Treo” ao chờ… thời
Trước khó khăn này, nhiều người nuôi tôm ngay tại “thủ phủ tôm” chọn giải pháp chờ. Anh Trần Văn Hân (ngụ ấp Thuận Hòa B, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho hay: “Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu nhờ con tôm. Nhưng tôi đang chưa dám thả vụ mới vì tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp và chờ khuyến cáo của các ngành chức năng”.
Bên cạnh giá tôm giảm mạnh, thời điểm này chuẩn bị bước vào vụ tôm chính nhưng do kênh mương bị bồi lắng, việc lấy nước nuôi tôm gặp khó khăn, vì vậy nhiều người nuôi tôm đành “treo” ao tiếp tục chờ đợi theo dõi tình hình.
Tại Bạc Liêu, ngay như các doanh nghiệp lớn, các hộ nuôi siêu thâm canh cũng bắt đầu chậm thả giống tiếp tục chờ.
Ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam – cho rằng: Để giúp bà con nuôi tôm vượt qua khó khăn như hiện nay, cần xem xét diễn biến cung – cầu và giá tôm ở thị trường xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Phát triển các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tôm thị trường nội địa. Tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tôm ở thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng để thúc đẩy tiêu thụ tôm. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tôm nuôi để phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu ngành tôm Việt Nam.
Hi vọng dịch COVID-19 qua nhanh
Trước tình trạng tôm nuôi rớt giá, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau – nói rằng: Giá thành nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của người dân còn quá cao. Với việc giá tôm giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ. Do đó, giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.
Theo ông Bằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến như thế nào và kéo dài bao lâu, không ai biết chính xác. Tuy nhiên, tôm là thực phẩm cơ bản, không phải là hàng xa xỉ nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra được tháo gỡ phần nào. Vì vậy, sản xuất đón đầu dựa trên phân tích và dự đoán tình hình những tháng tới nếu dịch COVID-19 sẽ được khống chế toàn thế giới, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.