Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt kinh tế và đời sống người dân bị ảnh hưởng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang lao đao khi kim ngạch xuất khẩu tôm giảm, dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 18%
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn hàng đầu cả nước, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thuỷ sản cũng đem lại sinh kế cho hàng ngàn hộ dân đất Mũi.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu tôm trong tỉnh chỉ đạt trên 140 triệu USD, bằng hơn 12% kế hoạch, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kim ngạch thủy sản giảm sút là do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.
Xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau giảm hơn 18% trong những tháng đầu năm do dịch Covid-19. Ảnh: TA.
Song song đó, các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng việc giao hàng khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt hơn 16 triệu USD, giảm hơn 66,7%; Trung Quốc ước đạt hơn 4,5 triệu USD, giảm hơn 67,7%.
Mặc khác, việc tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước tạm dừng nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó tìm kiếm khách hàng mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Trung – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, nhận định: Do đầu năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nhưng nếu dịch Covid-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường xuất khẩu. Tình hình này cũng sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương, do phải tốn thêm nhiều chi phí để dự trữ hàng hóa, nhất là tiền điện.
Tác động xấu đến người nuôi tôm
Theo thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thuỷ sản đến tháng 3 đạt 146.500 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi 46.800 tấn; sản lượng tôm khai thác 700 tấn. Tổng diện tích nuôi tôm cả tỉnh khoảng 280.200ha.
Trong đó, nuôi tôm thâm canh: 8.593ha; tôm quảng canh cải tiến: 144.495ha; tôm quảng canh: 135.900ha. Sản lượng tôm dự kiến đến cuối năm 2020 là 210.000 tấn. Trong đó: Sản lượng tôm nuôi: 200.000 tấn; sản lượng tôm khai thác biển: 10.000 tấn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep), các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và nhận định trong ít nhất khoảng 4 tháng nữa, tình hình xuất khẩu vẫn chưa khả quan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn gây nhiều khó khăn cho hộ nuôi khi sắp vào thời điểm thu hoạch rộ.
Không chỉ doanh nghiệp, việc xuất khẩu gặp khó khăn còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nuôi. Ảnh: TM.
Theo ông Trần Hoàng Em – Tổng Thư ký Casep, người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên hiện giá tôm sú cỡ 20 con/kg chỉ còn khoảng 180.000 đồng/kg, so với trước Tết đã giảm khoảng 100.000 đồng/kg.
Ở Cà Mau, sản lượng tôm nguyên liệu khoảng 200.000 tấn/năm, nếu doanh nghiệp không mua thì dân không biết bán ở đâu.
“Chính vì vậy, để có được nguồn vốn thu mua tôm cho dân và trữ hàng, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm triển khai gói vay hỗ trợ 30.000 tỷ đồng (gói vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19)” – ông Em nêu thực tế.
Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, dự kiến tháng 4 và quý 2/2020 còn nhiều khó khăn, kim ngạch không khả quan. Từ đó, doanh nghiệp cần tranh thủ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc đã kiểm soát cơ bản được dịch Covid – 19, hoạt động kinh tế – nhu cầu nhập khẩu bắt đầu hồi phục); tranh thủ thị trường Nhật Bản (do kiềm chế – hạn chế dịch bệnh, đang còn hoạt động xuất nhập khá tốt); nắm sát tình hình các thị trường khác để tranh thủ xuất khẩu và có giải pháp phù hợp kịp thời.
Để có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thông tin: “Đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở NNPTNT và các sở, ngành liên quan rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; rà soát cụ thể tình tình xuất khẩu các doanh nghiệp, tranh thủ xuất khẩu khi điều kiện có thể.
Bên cạnh đó, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng nhiều thị trường mới linh hoạt phù hợp tình hình. Phối hợp tạo điều kiện các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên phụ liệu, trang thiết bị máy móc để sản xuất hàng xuất khẩu.
Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm xã hội, điện lực, thuế… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn thu mua chế biến, trữ hàng chờ xuất khẩu, góp phần bình ổn giá tôm nguyên liệu. |
Theo CHÚC LY (Dân Việt)