Bạn tìm thông tin gì?

Quảng Trị: Gấp rút chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới

Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, tu sửa đê bao và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc thả giống tôm. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người nuôi cho vụ nuôi, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, quan trắc, cảnh báo môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ… nhằm hướng tới một vụ nuôi có hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi tôm

Vừa tỉ mỉ kiểm tra lại hệ thống đê bao và cống thoát nước tại 2 ao nuôi tôm rộng hơn 1 ha của mình, ông Hoàng Anh Quát ở tại HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà cho biết, vụ nuôi tôm 2019 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh gan tụy và đường ruột nên gia đình ông thất bại nặng nề. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm năm 2020 này, mọi công đoạn đều được ông chuẩn bị kỹ càng hơn, nhất là khâu cải tạo ao nuôi. Theo ông Quát, dịch bệnh đối với nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng nếu đã xảy ra thì rất khó chữa trị. Do vậy, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, khâu cải tạo ao nuôi phải đặt lên hàng đầu. Ngay từ cuối năm 2019 ông đã tháo cạn nước, vét lớp bùn thải đáy ao, phơi khô đáy, sau đó dùng vôi bột rải khắp ao để tiêu diệt mầm bệnh. “Vụ nuôi này tôi dự định thả nuôi khoảng 20 vạn con tôm sú giống. Để đảm bảo con giống có chất lượng tốt, tôi đã liên hệ với các đơn vị cung cấp giống có uy tín để đặt hàng trước, đến gần ngày thả giống sẽ vào tận nơi mang con giống đi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới thả nuôi”, ông Quát cho hay.

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm năm nay của HTX Đông Giang 2 là 26,56 ha, đối tượng nuôi chính là tôm sú. Để phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ngay từ đầu vụ HTX đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi nâng cấp bờ bao, hệ thống cống, cải tạo ao nuôi, lựa chọn mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đã qua kiểm tra, kiểm dịch, thả nuôi, chăm sóc tôm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật.

Giám đốc HTX Đông Giang 2 Hoàng Đình Anh cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, các hộ nuôi đã tiến hành tháo khô phơi đáy ao, rải vôi bột để trung hòa pH đất, diệt khuẩn… Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi trong quá trình sinh trưởng của tôm nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao nuôi nhiều hơn. HTX cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững, nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể hộ nuôi về kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2020. Yêu cầu 100% hộ nuôi phải thực hiện cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật trước khi tiến hành thả nuôi đúng thời vụ, đúng đối tượng. Khuyến cáo áp dụng quy trình nuôi tôm ít thay nước, chỉ cấp nước một lần vào đầu vụ nuôi, còn trong quá trình nuôi chỉ cấp thêm nước ngọt từ giếng khoan để hạn chế mầm bệnh, ấu trùng vẹm xanh từ bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi.

“Trước khi bước vào vụ nuôi năm 2020, HTX đã tổ chức họp các tổ nuôi tôm cộng đồng để thống nhất quy chế của vụ nuôi này như chỉ được phép thả nuôi tôm sú; nuôi một vụ ăn chắc; tôm giống phải được lấy ở các cơ sở có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng; có chế tài thưởng phạt nếu các hộ nuôi không thực hiện đúng quy chế mà tổ nuôi tôm cộng đồng đã thông qua. Về thời gian thả giống, ban đầu HTX dự kiến sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 10 – 30/4/2020, tuy nhiên do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên HTX thống nhất sẽ thả giống chậm lại khoảng 10 – 15 ngày so với kế hoạch đã đề ra”, ông Anh thông tin.

Tại huyện Triệu Phong, một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với hơn 550 ha, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Nhuận cho biết, điều đáng mừng là những năm trở lại đây, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi nên đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao đầm nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều hộ đã tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nuôi tôm trong nhà kính, ao nổi, nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc… nhờ vậy năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Một số người dân xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, không tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi…, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Nhuận, để khắc phục những vấn đề nêu trên, bên cạnh tham mưu UBND huyện những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản trong việc cử cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở, giám sát tại các vùng nuôi trọng điểm, kiên quyết không cho các hộ dân thả giống khi các điều kiện nuôi không đảm bảo và khi chưa đến thời vụ cho phép. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường nước và thông báo rộng rãi đến người nuôi để chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản…, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sở đã có hướng dẫn về khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông, với đối tượng nuôi là tôm sú chỉ nên nuôi một vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 và kết thúc trước ngày 30/6. Với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng có thể nuôi từ 1 – 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 đến 30/6 đối với vùng có bờ ao thấp, dễ bị ngập lụt; đối với vùng không bị ngập lụt, có nguồn nước ngọt dự trữ thời gian thả giống kéo dài từ 15/4 đến trước ngày 31/10; tuyệt đối không được thả nuôi vào thời gian từ ngày 1/11 năm trước đến trước ngày 15/4 năm sau để tránh thời tiết rét kéo dài làm tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh dịch bệnh. Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có thể nuôi 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ sau ngày 15/3 đến kết thúc trước ngày 31/10. Riêng đối với các cơ sở nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ 18.000 kg hóa chất để các địa phương tiêu độc, khử trùng vùng nuôi thủy sản nhằm phòng trừ dịch bệnh đầu vụ nuôi mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Trả lời