Sau khi thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng dùng dịch nano bạc khử khuẩn do Viện Công nghệ Nano (INT) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện, vụ tôm của Công ty TNHH Hoàng Vũ đã thu về lợi nhuận gấp 3 lần so với cách nuôi trước đây.
Dịch bệnh đe dọa ngành tôm
Tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chủ yếu được nuôi thâm canh bởi có ưu điểm là thời gian nuôi ngắn (2,5 – 3 tháng), có thể nuôi với mật độ cao, thu hoạch sản lượng lớn. Tuy nhiên, nuôi thâm canh đòi hỏi kỹ thuật cao cũng như vốn đầu tư lớn và nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn thường trực: 15 – 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại bởi dịch bệnh hàng năm.
Trong số các vi sinh vật gây bệnh trên tôm, vi khuẩn Vibrio spp. là tác nhân phổ biến nhất. Đặc biệt, Vibrio spp. gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, một trong những dịch bệnh đáng lo ngại nhất trên tôm nuôi hiện nay với hậu quả là tôm chết sớm. Để phòng ngừa bệnh này, hầu hết các trại sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm đã dùng nhiều kháng sinh và hóa chất trong xử lí môi trường nước nuôi để kiểm soát sự tồn tại và hoạt động của Vibrio spp. trong môi trường nước. Tuy nhiên hiệu quả không được như mong đợi khi ngày càng có nhiều loại thuốc kháng sinh bị đề kháng. Ngoài ra, kháng sinh và hóa chất còn gây tồn dư trong tôm, dẫn tới việc giảm năng suất và chất lượng của tôm.
Dung dịch nano bạc do INT nghiên cứu, sản xuất Ảnh: INT
Trước thực tế đó, Viện Công nghệ nano đã thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao tôm bằng vật liệu và công nghệ nano”. Đây cũng đề tài trong Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2014 – 2019 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” do TS Đoàn Đức Chánh Tín, Viện Công nghệ Nano, làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai từ năm 2017 – 2019.
Lợi nhuận gấp ba nhờ naono bạc
TS Đoàn Đức Chánh Tín cho biết, sau khi nghiên cứu và chế tạo thành công các hạt nano bạc cho mục đích diệt vi khuẩn trong nước ao nuôi tôm, nhóm thử nghiệm tại Trại thực nghiệm nuôi tôm của Viện Công nghệ Nano và xác định được nồng độ an toàn của dung dịch nano bạc (AgNPs) đối với tôm thẻ chân trắng. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn tại ao tôm của Công ty TNHH Hoàng Vũ, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Trong mô hình này, tôm được ương trong ao ương có diện tích 1.000 m2. Từ lúc mới thả đến 50 ngày nuôi, tôm được chuyển một nửa từ ao ương sang ao mới có diện tích bằng diện tích ao ương và nuôi ở 2 ao này trong 40 ngày tiếp theo. Sau 90 ngày nuôi, tôm được chuyển hoàn toàn sang nuôi trong ao đất với diện tích ao khoảng 4.000 m2 cho đến lúc thu hoạch.
RảiAgNPs xuống ao nuôi tôm Ảnh: INT
Nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống cảm biến nano (cũng do Viện Công nghệ Nano nghiên cứu, chế tạo) để đo đạc các thông số môi trường nước hàng ngày trong suốt quá trình nuôi. AgNPs được sử dụng để diệt khuẩn trong nước nuôi tôm tại thời điểm trước khi thả tôm giống 24 giờ và trong giai đoạn ao ương.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, các thông số môi trường nước nhờ được đo đạc hàng ngày bằng hệ thống cảm biến, nên luôn được kiểm soát ở ngưỡng cho phép, phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm trong suốt quá trình nuôi, nhờ đó tiết kiệm được chi phí sử dụng hóa chất để xử lý và duy trì chất lượng nước ổn định.
AgNPs bổ sung vào ao nuôi tôm trước khi thả tôm giống giúp hạn chế sự phát triển Vibrio.spp trong nước, đảm bảo an toàn cho tôm ở giai đoạn mới thả nuôi. So với mô hình nuôi đối chứng mà Công ty Hoàng Vũ đang triển khai, mật độ Vibrio spp. trong nước ở ao nuôi thử nghiệm trong 45 ngày đầu tiên và tỉ lệ khuẩn lạc xanh thấp hơn, tôm không bị hoại tử gan tụy và không chết sớm.
Ngoài ra, sử dụng AgNPs không làm ảnh hưởng đến thành phần và mật độ vi tảo trong ao, không làm ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có lợi khác. Tôm nuôi theo mô hình thử nghiệm tăng trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống và cho kích cỡ thu hoạch cao hơn so với mô hình nuôi tôm thâm canh đối chứng.
Dùng cảm biến nano trên ao nuôi và đo, xử lý số liệu tại Phòng thí nghiệm
của Công ty Hoàng Vũ Ảnh: INT
Theo Công ty TNHH Hoàng Vũ, chi phí đầu tư cho mỗi hệ thống ao nuôi vào khoảng 900 triệu đồng, bao gồm đầu tư ban đầu, tôm giống, thức ăn, nhân công, hóa chất,… Lợi nhuận thu được ở hệ thống ao nuôi áp dụng xử lý diệt khuẩn bằng nano bạc vào khoảng 2,1 tỉ đồng/vụ. Trong khi đó, lợi nhuận ở hệ thống ao nuôi đối chứng chỉ vào khoảng 700 triệu đồng cho một vụ nuôi trong 4 tháng.
Ngoài ra, khi so sánh với kết quả nuôi tôm thâm canh thông thường trong ao đất (không dùng ao ương mà thả trực tiếp nuôi trong ao lớn) được tiến hành ở trại nuôi tôm Hoàng Vũ trong cùng thời gian, diện tích, cũng cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của hệ thống ao thử nghiệm. Cụ thể, lợi nhuận ở tôm nuôi thâm canh trong ao đất chỉ khoảng 550 triệu đồng/vụ, trong khi số tôm giống thả ban đầu cao hơn.
TS Đoàn Đức Chánh Tín cho biết, qua kết quả thử nghiệm thực tế tại trại tôm Công ty TNHH Hoàng Vũ, mô hình nói trên được lãnh đạo xã Bình Thới, huyện Bình Đại ủng hộ và đồng ý hỗ trợ để nhân rộng mô hình.
Kiều Anh
Nguồn :http://khoahocphattrien.vn/