Bị Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp của đại gia Lê Văn Quang cho rằng, quyết định trên “mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều”.
Như tin đã đưa, ngay những ngày đầu năm 2020, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang – Chu Thị Bình đã nhận được tin xấu về việc Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Hoa Kỳ. Công ty này cũng bị áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức “Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Hoa Kỳ” (AHSTEC).
Cho biết “hết sức bất ngờ” về quyết định nói trên, lãnh đạo Minh Phú đánh giá, CBP đã chỉ dựa trên các thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi tổ chức AHSTEC – đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ, là tổ chức từ lâu đã tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn.
AHSTEC nộp đơn tố cáo MSeafood vào tháng 9/2019. Theo phản hồi từ Minh Phú, vì quy trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ Internet, được cắt đoạn và đơn phương diễn giải mà không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay MSeafood.
Doanh nghiệp của vợ chồng ông Lê Văn Quang – bà Chu Thị Bình đang gặp rắc rối tại thị trường Hoa Kỳ
Luật sư của Minh Phú tại Hoa Kỳ đã đăng ký với CBP để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để CBP xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Doanh nghiệp này cho biết sẽ hợp tác đầy đủ với CBP và chứng minh quyết định của CBP là “mang tính chất áp đặt, không minh bạch và chỉ dựa trên thông tin một chiều”.
Theo khẳng định của Minh Phú, tập đoàn này không nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Hoa Kỳ như trong cáo buộc.
Cũng theo Minh Phú, quyết định sơ bộ được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm đông lạnh Ấn Độ sang Hoa Kỳ. Thực tế Minh Phú không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Hoa Kỳ.
“Chúng tôi có thể khẳng định ngay rằng Minh Phú chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại các nhà máy của Minh Phú theo quy trình nghiêm ngặt đã được chứng nhận và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ” – thông cáo từ Minh Phú nhấn mạnh.
Phía Minh Phú cho rằng, quyết định của CBP đã dựa trên nhiều thông tin được dẫn chiếu không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch.
Chẳng hạn, AHSTEC đã dựa vào các thông tin được trích trong thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Minh Phú và cho rằng trong năm 2018 Minh Phú chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm nhưng lại xuất khẩu tới 67.000 tấn.
Minh Phú khẳng định, đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do tập đoàn này nuôi và thu hoạch từ các ao nuôi của tập đoàn trong năm 2018, hoàn toàn không phải là công suất sản xuất tôm đông lạnh của Minh Phú theo như cáo buộc của AHSTEC.
Thực tế Minh Phú không chỉ sử dụng nguyên liệu tôm tự nuôi mà còn mua nguyên liệu từ bên ngoài thông qua các hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quyết định của CBP cũng nêu trong giai đoạn điều tra từ 1/10/2018 đến 31/8/2019, Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ. Tuy nhiên, Minh Phú cho biết, đây là thông tin không có cơ sở bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của tập đoàn này.
Đặc biệt từ đầu năm 2019, theo Minh Phú, lượng tôm nhập khẩu của tập đoàn chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ quý II/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu Ấn Độ.
“Quyết định này dường như đã cố tình phớt lờ thông tin được nói rõ ngay trong thông cáo báo chí tháng 6/2019 của Minh Phú là tổng lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ chiếm dưới 39% tổng lượng tôm xuất khẩu của Minh Phú” – phía Minh Phú bình luận.
Chưa rõ kết quả cuối cùng của hoạt động điều tra này sẽ ra sao, tuy nhiên, cổ phiếu MPC của Minh Phú đã phần nào bị ảnh hưởng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/1 (phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi), MPC giảm 1.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mất 4,26% giá trị, xuống còn 22.200 đồng/cổ phiếu và so với phiên giao dịch 15/1 (trước thời điểm có thông tin bất lợi nói trên), cổ phiếu MPC đã sụt giá khoảng 7,11%.
Theo Mai Chi / Dân trí