Bạn tìm thông tin gì?

Bị Mỹ điều tra tránh thuế chống bán phá giá, ‘vua tôm’ Minh Phú nói gì?

TPO – Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam là Minh Phú của “vua tôm” Lê Văn Quang vừa lên tiếng, sau khi bị phía Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) với tập đoàn này.

Tập đoàn Minh Phú cho rằng, nhiều thông tin mà cơ quan điều tra của Mỹ dẫn chiếu là không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.
Tập đoàn Minh Phú cho rằng, nhiều thông tin mà cơ quan điều tra của Mỹ dẫn chiếu là không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.Theo Tập đoàn Minh Phú, tập đoàn này mới biết Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (“CBP”) chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế CBPG đối với Minh Phú (Điều tra EAPA), đồng thời và áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Hoa Kỳ thông qua báo chí (ngày 16/1). Hiện Minh Phú chưa nhận được văn bản chính thức từ CBP.

Minh Phú cho biết, đơn vị này hết sức bất ngờ vì trong quyết định, CBP đã chỉ dựa trên thông tin một chiều được thu thập, cung cấp bởi một tổ chức có tên được tạm dịch là Liên minh Hành động Tôm Miền Nam (AHSTEC).

Đây là tổ chức đại diện cho một nhóm các công ty đánh bắt và chế biến tôm tại Hoa Kỳ,  từ lâu đã tham gia vào vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam với tư cách nguyên đơn.

AHSTEC nộp đơn tố cáo Mseafood (Công ty con của Minh Phú tại Mỹ) vào tháng 9/2019. Doquy trình điều tra là bảo mật, CBP đã sử dụng các thông tin mà AHSTEC cung cấp cũng như một số thông tin thu thập từ nhiều nguồn trên internet, được trích đoạn và đơn phương diễn giải mà hoàn toàn không có sự đối chiếu hay kiểm chứng lại với Minh Phú hay Mseafood.

Theo Minh Phú, luật sư của Tập đoàn tại Hoa Kỳ đã đăng ký với EAPA để Minh Phú chính thức tham gia vào cuộc điều tra và cung cấp thông tin cùng các bằng chứng cụ thể để EAPA xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Tập đoàn Minh Phú cũng cho biết, với việc áp dụng biện pháp trong Quyết định sơ bộ nói trên, Minh Phú được yêu cầu tạm nộp thuế CBPG áp dụng cho Ấn Độ (khoảng 10%) đối với các lô hàng nhập vào Hoa Kỳ.

Quyết định sơ bộ này được đưa ra vì CBP cho rằng có một số dấu hiệu, nghi vấn để cho phép suy đoán về khả năng Minh Phú đã xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Hoa Kỳ.

“Thực chất, Minh Phú không xuất tôm thành phẩm Ấn Độ sang Hoa Kỳ. Chúng tôi có thể khẳng định ngay rằng Minh Phú chỉ mua tôm nguyên liệu để đưa vào chế biến tại nhà máy của Minh Phú và không mua tôm thành phẩm từ các nhà máy khác để xuất vào Hoa Kỳ”, Tập đoàn Minh Phú thông tin.

Mặt khác, theo Minh Phú nhiều thông tin mà CBP dẫn chiếu là không chính xác hoặc do nhầm lẫn, thậm chí mâu thuẫn hay do phía nguyên đơn cố tình cắt xén làm sai lệch nội dung thông tin.

Đơn cử, tại trang số 3, từ các thông tin được trích trong Thông cáo báo chí ngày 7/6/2019 của Tập đoàn Minh Phú, trong năm 2018 Tập đoàn này chỉ sản xuất được 12.000 tấn tôm, trong khi xuất khẩu tới 67.000 tấn.

Minh Phú cho rằng, đây là thông tin sai sự thật bởi 12.000 tấn là số liệu ước tính của sản lượng tôm nguyên liệu do Minh Phú nuôi và thu hoạch trong năm 2018. Thực tế, 100% lượng tôm thành phầm mà Minh Phú xuất khẩu đều được sản xuất tại các nhà máy của Minh Phú tại Cà Mau và Hậu Giang.

“Minh Phú không chỉ sử dụng tôm tự nuôi mà còn có hợp đồng mua tôm, hỗ trợ và bao tiêu dài hạn với hàng ngàn hộ nông dân tại khu vực ven biển phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long”, Tập đoàn Minh Phú khẳng định…

Bị Mỹ điều tra tránh thuế chống bán phá giá, 'vua tôm' Minh Phú nói gì? - ảnh 1“Vua” tôm Lê Văn Quang cho biết, luật sư của Minh Phú tại Mỹ đã đăng ký để làm việc với cơ quan điều tra, nhằm cung cấp thông tin cụ thể để phía Mỹ xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cũng theo Tập đoàn Minh Phú, tại trang số 6 của Quyết định, CBP có nêu trong giai đoạn điều tra từ 1/10/2018 đến 31/8/2019, Minh Phú đã nhập một lượng lớn tôm Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo Minh Phú, thông tin trên không có cơ sở, bởi thực tế trong giai đoạn này, lượng tôm Ấn Độ mà Minh Phú nhập để sử dụng làm nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn. Cá biệt từ đầu năm 2019, lượng tôm nhập khẩu của Minh Phú chỉ chiếm một lượng không đáng kể và từ tháng 5/2019, Minh Phú đã không còn sử dụng tôm nhập khẩu…

Tập đoàn Minh Phú cũng khẳng định, trong mọi trường hợp, Minh Phú sẽ luôn hợp tác, công khai và minh bạch thông tin để tránh việc bị liên lụy do các cáo buộc ác ý, không có cơ sở nhằm vào Minh Phú nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.

Kết thúc năm 2019, kết quả hoạt động kinh doanh Minh Phú không đạt được kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sản xuất đạt trên 59.500 tấn, giảm 9,05%, doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm 14,25%, sản lượng xuất khẩu chỉ hơn 57.700 tấn giảm 14,69%. Riêng thị trường Mỹ, năm 2019, Minh Phú xuất khẩu gần 246 triệu USD, giảm 19,57% so với năm ngoái.

Theo Tập đoàn Minh Phú, thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của tập đoàn trong năm nay. Tuy nhiên, Minh Phú vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu tôm số 1 của Việt Nam và Top đầu của thế giới.

PHẠM ANH

Nguồn : https://www.tienphong.vn/

Trả lời