(Thủy sản Việt Nam) – Ngành tôm trải qua một năm 2019 nhiều thăng trầm, với những khó khăn nội tại và thách thức. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu không đạt như kỳ vọng, nhưng đây vẫn là mặt hàng được nhận định có nhiều điểm sáng trong năm 2020.
Bài toán khó từ con giống
Là quốc gia có ngành tôm phát triển trên thế giới, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm, vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% tôm chân trắng bố mẹ, còn tôm sú bố mẹ một phần vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống TTCT; số lượng giống sản xuất 100,3 tỷ con (tôm sú 23,5 tỷ con; TTCT 76,8 tỷ con). Tính đến 31/11/2019, Việt Nam đã nhập 180.170 con tôm bố mẹ, tương đương với cùng kỳ năm 2018; tôm bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Một phần tôm giống từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch. Khu vực nuôi tôm quảng canh rộng lớn đang cần có những đột phá về con giống (cần con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh) và về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ.
Cùng với đó, hiện cả nước có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thức ăn, thuốc dùng trong nuôi tôm; nhưng chất lượng chưa đồng đều và thực tế sản xuất cho thấy, người nuôi chưa được tiếp cận nhiều các sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm trôi nổi thì lại được đưa tới các trang trại ao tôm thường xuyên. Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản Bạc Liêu, chia sẻ nhiều doanh nghiệp nhỏ, chưa có thương hiệu, nhưng lại có hệ thống nhân viên thị trường tiếp cận, giới thiệu tới các hộ nuôi những sản phẩm có giá thành rẻ hơn rất nhiều, nhưng chất lượng thì chưa được kiểm chứng. Theo đó, nhiều hộ nuôi ham rẻ sử dụng cho ao nuôi của mình, kết quả là “tiền mất tật mang”.
Hóa giải những bất cập
Dịch bệnh vẫn là nỗi lo thường trực trong sản xuất của các hộ nuôi tôm, đây là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nuôi trồng. Theo ghi nhận, dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát khi điều kiện thời tiết không phù hợp, đặc biệt là bệnh EMS và vi bào tử trùng (EHP). Cuối năm 2019, công tác quan trắc môi trường phục vụ NTTS và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi tiến hành giám sát 16 ao nuôi TTCT và tôm sú nuôi thâm canh thuộc huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) và huyện Cái Nước (Cà Mau) đã phát hiện thấy tôm nuôi có nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP) với tỷ lệ tương ứng là 7,9% và 20,3%; tỷ nhiễm bệnh EHP khá cao vì xuất hiện trên 11% số mẫu phân tích.
Một thực tế khác đó là, nuôi tôm của Việt Nam vẫn còn mang tính manh mún và nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; người nuôi chưa chú trọng trong công tác ghi chép sổ nhật ký; quản lý hệ thống ao nuôi chưa tốt, một số hộ còn lén lút xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn xảy ra ở các cơ sở thu mua và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. Mặc dù, thời gian qua đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất cũng như nhiều doanh nghiệp đầu tư quy hoạch nuôi nhưng số lượng này chiếm tỷ lệ nhỏ. Yếu tố này đã khiến cho chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó đạt được các tiêu chuẩn quốc tế…; từ đó, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tại các thị trường nhập khẩu. Như chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Trường, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, do chi phối bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên người dân không mặn mà đầu tư nuôi tôm theo hướng VietGAP vì có nhiều ràng buộc phải thực hiện. Mặc dù, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí với mức hơn 600 triệu đồng cho 1 dự án nuôi tôm VietGAP nhưng vẫn chưa thu hút được đầu tư.
Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm 70 – 80% diện tích ngành sản xuất tôm, thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, liên kết kém, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế.
Không chỉ vướng ở những yếu tố nội tại, ngành tôm Việt cũng đang phải chịu sự canh tranh gay gắt cũng như hàng rào kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới, năm 2019 thể hiện rõ nét nhất. Từ tháng 3 – 8/2019 giá tôm giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; nguyên nhân do các nước như Ấn Độ, Ecuador trúng mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Cũng do giá thành sản xuất tôm ở ĐBSCL cao nên không ít doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về với giá rẻ hơn, làm cho tôm trong nước bị cạnh tranh và dư nguồn cung.
Ngành tôm đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới – Ảnh: ST
Triển vọng sáng
Năm 2020, ngành tôm được kỳ vọng có nhiều tăng trưởng thông qua những dấu hiệu tích cực từ sản xuất và thị trường. Tại Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Thương mại nước này đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, C.P. Việt Nam, Camimex… Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đi vào thực thi mà điển hình là CPTPP, EVFTA, sẽ tạo thêm rất nhiều cơ hội cho ngành thủy sản nói chung trong đó có mặt hàng chiến lược là con tôm có thêm sung lực mới. Tác động của hiệp định tự do thương mại tự do cũng sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Theo xu hướng chung của thế giới, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn có rất nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển; trong đó có con tôm. Chính vì vậy, thời quan qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, nuôi mô hình CPF-Combine, công nghệ 2-3-4, ương tôm mật độ cao Raceway, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ biofloc, công nghệ BioSipec… Đây là hướng đi bền vững và là xu thế phát triển tại Việt Nam, mở ra triển vọng bền vững cho ngành tôm.
Bên cạnh đó, việc sản xuất tôm sạch, theo tiêu chuẩn, liên kết đã được chú trọng để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh. Theo kế hoạch, năm 2020, ngành thủy sản sẽ tập trung cấp mã số cho các cơ sở nuôi tôm nước lợ. Chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025: tổng diện tích nuôi tôm 750.000 ha (tôm sú 600.000 ha, TTCT 150.000 ha), tổng sản lượng 1.100.000 tấn (tôm sú 400.000 tấn, TTCT 700.000 tấn), xuất khẩu tôm nuôi nước lợ trên 8,4 tỷ USD. Trọng tâm trong sản xuất là chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất trên 90% số tôm sú bố mẹ; trên 70% số TTCT bố mẹ.
>> Để khắc phục những khó khăn từ nội tại cũng như tận dụng những cơ hội phía trước, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của con tôm thì cần nhanh chóng giảm chi phí giá thành nuôi nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các nước; sắp xếp lại vùng nuôi tôm để hình thành các trang trại hay HTX có quy mô lớn theo chuẩn nuôi của quốc tế có chứng nhận. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đảm bảo hệ thống thủy lợi tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan và lâu dài cần tiến tới xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt. |