Chủ động trước biến động
Trong năm 2019, ngành tôm toàn cầu có những biến động lớn như giá cả đầu vụ giảm mạnh khiến người nuôi tôm không mạnh tay thả nuôi, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tấn công ở tất cả vùng nuôi lớn như Trung Mỹ, Nam Á, Đông Nam Á… khiến sản lượng chung không như ý, lượng tôm cỡ lớn sụt giảm mạnh. Tình hình này làm người nuôi tôm Việt Nam e ngại nuôi vụ hai vì rủi ro cao từ dịch bệnh. Tất cả dẫn đến giá tôm tươi ở đồng bằng đã tăng từ giữa tháng 8 tới nay, nhất là tôm cỡ lớn hơn 40 con. Đến nay giá vẫn trong đang xu thế tăng vì nguồn cung giảm.
Dự báo sản lượng tôm tiêu thụ năm 2019 của Fimex sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2018 và dù giá tôm thấp, doanh số tiêu thụ dự báo vẫn ở mức tương đương năm trước. Nhưng nhờ các mảng hoạt động của Sao Ta gồm nuôi tôm, chế biến tôm, chế biến nông sản xuất khẩu đều hiệu quả nên lợi nhuận chung vẫn tăng và vượt kế hoạch khoảng 25-30%.
Trong khi đó, tình hình tồn kho cao tại các thị trường tiêu thụ chính và sự cạnh tranh về giá tôm với các đối thủ lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… đã tạo sức ép giảm giá đối với các DN Việt Nam. Cụ thể, giá nhập khẩu tôm vào EU đã giảm 1 USD/kg so với năm 2018, song giá tôm của Việt Nam vẫn cao hơn 15-20% (tương đương 1-2 USD/kg) so với giá tôm nhập khẩu từ các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc. Tại thị trường Mỹ, giá tôm của Việt Nam cũng ở mức cao nhất dù đã giảm từ 12 USD/kg xuống 11 USD/kg. Giá xuất khẩu tôm sang Nhật cũng giảm 1 USD/kg, từ 12 USD xuống 11 USD/kg.
11 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 3,4 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm nay sẽ chỉ đạt 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Bên cạnh áp lực cạnh tranh về giá, các DN xuất khẩu tôm còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Trước khó khăn đó, Fimex nổi lên như một ngôi sao sáng khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2019 đạt 173 tỷ đồng, tăng trưởng trên 35% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 96% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Tháng 11 vừa qua, ban lãnh đạo công ty cũng công bố đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra hồi đầu năm là 180 tỷ đồng.
Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Fimex cho biết, từ đầu năm, Fimex đã nhận định tình hình cung cầu tôm thế giới, diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi để đề ra chương trình hoạt động cho mình. Trong đó, Fimex chú trọng nuôi tôm, nâng cao tối đa an toàn sinh học vùng nuôi tôm của mình, chăm sóc ao tôm hết sức kỹ lưỡng. Nguồn tôm nuôi khá lớn là sự thuyết phục tốt nhất khách hàng về nguyên liệu sạch, có kiểm soát cũng như khả năng truy xuất nguồn gốc.
Chương trình của Fimex cũng tập trung vào thị trường lợi thế là Nhật Bản, EU đồng thời giảm thiểu ở thị trường Hoa Kỳ, bởi phải cạnh tranh nguồn tôm giá rẻ từ Ấn Độ. Tình hình trong năm đã diễn ra đúng như những gì Fimex đã dự đoán. Tôm nuôi đầu vụ không nhiều vì giá tôm thấp khiến người nuôi không an tâm thả giống. Sau đó tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công, dẫn đến nguồn tôm cung trong nước không như dự kiến và giá tôm tươi tăng từ giữa tháng 8 đến nay. Tình huống này khiến các DN không có nhận định tốt, ký nhiều hợp đồng với khách hàng từ Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng.
Trụ đỡ phát triển bền vững
Nhìn lại giai đoạn 2014-2018, diễn biến giá tôm xuất khẩu tại các thị trường biến động thất thường đã khiến doanh thu xuất khẩu của một số doanh nghiệp lớn trong mảng tôm Việt Nam như Minh Phú, Stapimex, Thuận Phước Corp tăng giảm không ổn định. Tuy nhiên, với chiến lược chuyển hướng sản phẩm và thị trường xuất khẩu hợp lý, Fimex vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu ổn định khoảng 7,2%/năm, ngày càng thu hẹp khoảng cách với doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ 2 cả nước là Stapimex.
Đặc biệt, với định hướng phát triển bền vững, Fimex đã xây dựng được vùng nuôi tôm riêng rộng 190 ha, đạt các chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm như BAP (chứng nhận về các thực hành tốt nhất trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Nhờ đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh và truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tạo được sự an tâm về nguyên liệu tôm sạch đối với các khách hàng. Đối với lượng tôm thu mua từ bên ngoài, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, quy trình kiểm duyệt nguồn tôm đầu vào cũng rất khắt khe, trước tiên công ty cử chuyên gia đến tiến hành kiểm tra tổng quan ao tôm, sau đó liên tục tiến hành kiểm tra nhiều lượt mẫu trong quá trình thu hoạch và chế biến để đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về chất lượng tôm xuất khẩu.
Hiện công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng vùng nuôi với dự án có tổng diện tích khoảng 90 ha, nằm sát trại tôm hiện hữu của công ty. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp Fimex chủ động thêm 10% nguyên liệu nhờ cung cấp 2.000 tấn tôm mỗi năm. Kéo theo đó, công ty cũng kỳ vọng sẽ giảm được 1,15%/năm đối với chi phí tôm nguyên liệu trên mỗi đơn vị sản phẩm nhờ tăng tỷ lệ tự chủ tôm đầu vào từ 20% lên 30%.
Đến nay, Fimex đã xây dựng được chuỗi giá trị trải dài từ công tác chuẩn bị ao nuôi, tôm giống, thức ăn,… để nuôi tôm cho đến khâu chế biến tại nhà máy và đem phân phối tại các thị trường xuất khẩu. Trong đó, hòa cùng xu thế chung của toàn ngành cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm của Fimex cũng có sự thay đổi theo hướng đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng mang lại tiện ích cao, bao gồm tôm luộc, tôm bao bột, tôm chiên và các loại rau củ quả phối chế vào các hệ thống phân phối cao cấp. Trong thời gian tới, sự chuyển hướng sản phẩm này sẽ tiếp tục giúp Fimex cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Với nền tảng vững chắc đó, Fimex đặt mục tiêu doanh số đến năm 2020 vượt 200 triệu USD và tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm vào năm 2025 để tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại nhằm mở rộng quy mô kinh doanh và vươn lên thành nhà chế biến tôm lớn thứ 2 Việt Nam.
Nguồn : Báo Hải Quan