Ông Phạm Thanh Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết, ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) thu hoạch tôm thẻ trên nền đất mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 162.000 ha tôm – lúa. Trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang 62.500 ha, tiếp đến là Cà Mau 46.000 ha, Bạc Liêu 40.000 ha, Sóc Trăng 7.500 ha.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh ở ĐBSCL phát triển mạnh mô hình lúa – tôm. Những ngày cuối năm, chúng tôi về huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) mới thấy không khí tất bật của người dân vào đợt thu hoạch rộ vụ lúa. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng ai nấy đều tươi cười bởi trúng mùa, tôm, cá bán được giá cao.

Ông Lê Việt Thắng ở ấp Long Hậu ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) chia sẻ: Trước đây, do không chủ động được nguồn nước ngọt nên việc cải tạo, rửa mặn để sạ lúa khó có thể thực hiện được. Nếu có sản xuất lúa trong ruộng tôm cũng bị thất bại. Gần đây, Nhà nước khuyến khích nông dân sạ lúa trên đất nuôi tôm, đầu tư đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, lại thêm điều kiện mưa nhiều, độ mặn trên ao vuông xuống thấp nên tôi an tâm gieo sạ.

Sau khi trừ hết chi phí ông Thắng còn lãi trên 25 triệu đồng/ha. Ngoài thu hoạch lúa ra, vụ này ông còn thu hoạch thêm tôm sú, cua biển và cá đồng nuôi ghép. “Đặc biệt, 2 năm qua tôi được ngành nông nghiệp chọn tham gia “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” trên vùng lúa – tôm với diện tích 1ha, được nhà nước hỗ trợ giống, doanh nghiệp hỗ trợ phân bón. Trong quá trình sản xuất được ngành nông nghiệp quan tâm hướng dẫn kỹ thuật, chi phí giảm, lúa đạt năng suất gần 7 tấn/ha, cao hơn 10 – 15% so với ruộng sản xuất tôm – lúa bình thường”, ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Phương Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện mô hình tôm – lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) phổ biến nhiều ở các vùng chuyên canh lúa năng suất thấp. Mô hình này có diện tích nuôi lớn, mương bao xung quanh, thả nuôi mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Song cần có hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho lúa hoặc nước mặn cho tôm (mùa khô). Mô hình tôm – lúa cho năng suất đạt bình quân 300 – 500kg tôm/ha và một vụ lúa đạt 4 – 6 tấn/ha. Chi phí sản xuất khoảng 30 – 35 triệu đồng/ha, lãi đạt bình quân 35 – 50 triệu đồng/ha/năm (tính chung cả tôm và lúa). Đặc biệt chuyển giao khoa học kỹ thuật thích hợp trong canh tác mô hình một vụ tôm, một vụ lúa nhằm nâng cao giá trị lúa gạo và hạn chế rủi ro, từng bước hướng tới sản xuất chất lượng, an toàn.

Người dân chủ yếu sử dụng các giống lúa mùa đặc sản hoặc một số giống lúa lai F1, giống chịu mặn, lúa thơm đặc sản như OM 5451, ST 5, ST 24, ST 25, Bụi Đỏ…

Vụ mùa 2019 – 2020, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm, ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, có 24 hộ, với diện tích 14 ha. Ông Phạm Thanh Quang, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết, ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên – Sóc Trăng) người thực hiện mô hình cho biết: Áp dụng theo mô hình này nông dân được nhiều lợi ít, nhất là cải tạo môi trường đất để nuôi vụ tôm đạt hiệu quả, được doanh nghiệp Hồ Quang bao tiêu với giá cao và hỗ trợ 100% giống lúa ST24; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 30% phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học.

“Qua quá trình canh tác, tôi nhận thấy hiệu quả kinh tế nhờ mô hình đem lại khá rõ nét, năng suất lúa đều ổn định 6 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình gần 2 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất thấp hơn 300 đồng/kg. Cái được là lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài 1.500 – 2.500 đồng/kg. Đảm bảo lợi nhuận gần 3 triệu đồng/1.000m2 canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Trước vụ lúa, với diện tích canh tác khoảng 1ha, tôi thả nuôi tôm thẻ hơn 2 tháng là có thể thu hoạch được 600kg, lãi được hơn 56 triệu đồng. Với mô hình tôm thẻ  – lúa hữu cơ gia đình tôi đã thu được lợi nhuận gần 90 triệu đồng”, ông Quang nói.

Ở đây “Sản xuất tôm – lúa là mô hình hiệu quả nhất”. Đó là khẳng định của ông Võ Minh Quang, nông dân sản xuất giỏi ở ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Ông Quang thực hiện mô hình này có hiệu quả trong 5 năm qua. Ông Quang có 3 ha đất sản xuất tôm – lúa kết hợp. Vụ tôm – lúa năm trước, ông thu hoạch gần 12 tấn lúa và 120 triệu đồng tiền tôm, cua, cá chẽm. Vụ tôm này, ông Quang thu nhập khoảng 70 triệu đồng tiền tôm, cua. Đây đến cuối năm, ông còn thu hoạch 1 vụ lúa, dự kiến khoảng 10 tấn và 1 vụ tôm cuối năm.

Theo ông Quang, vụ tôm cuối năm thường rất trúng, do đây là lứa tôm “cù” được nuôi ở nước ngọt sẽ lớn nhanh khi sống trong môi trường nước lợ. Ông Quang cho biết: “Tôm “cù” thường bị chai trong môi trường nước ngọt. Khi lúa gặt xong, bơm nước mặn vào tôm sẽ thích nghi nhanh với môi trường nước lợ. Tôm mau lột vỏ và lớn rất nhanh. Người nuôi tôm thường trúng đậm với vụ tôm này”.

Qua thực tiễn sản xuất cho thấy mô hình tôm – lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao do giảm được chi phí trong sản xuất vừa có tính ổn định và bền vững, được nông dân vùng chuyển dịch ven biển ĐBSCL áp dụng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phương Nghi
Nguồn : http://dangcongsan.vn/