Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam đạt 7,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với 11 tháng năm 2018. Đáng chú ý là trong tháng 11/2019, XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng rất khả quan, với mức tăng 48,3% và là thị trường XK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 130 triệu USD trong tháng 11/2019.
Mặc dù gặp không ít khó khăn do việc siết chặt các quy định về nhập khẩu (NK) thủy hải sản từ Việt Nam, tuy nhiên tính chung 11 tháng năm 2019, XK thủy sản sang Trung Quốc của nước ta vẫn đạt 1,1 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với NNVN, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đánh giá: Mặc dù từ năm 2018 đến nay, hoạt động XK thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do một số mặt hàng chưa được phía Trung Quốc cho phép NK.
Tuy nhiên về tổng thể, Trung Quốc vẫn đang là thị trường XK thủy sản vô cùng tiềm năng của nước ta, với tổng kim ngạch XK thủy sản thường xuyên duy trì ở mức 1,1 – 1,2 tỉ USD/năm, nằm trong nhóm 4 thị trường XK thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có những sản phẩm thủy sản được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng như cá tra, tôm, tôm hùm, nhuyễn thể…
Đặc biệt trong các dịp cuối năm, Việt Nam có chung Tết Nguyên đán giống với Trung Quốc nên nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm sang thị trường Trung Quốc là rất lớn.
Với việc Trung Quốc áp dụng nghiêm các quy định nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam, trong ngắn hạn điều này có thể gây hạn chế nhất định cho XK mặt hàng này của Việt Nam, tuy nhiên về dài hơi, đây cũng là cơ hội nhằm tổ chức lại SX ngành thủy sản theo hướng bền vững, giá trị gia tăng.
Theo ông Cẩn, trong năm 2020 cũng như những năm tới, bên cạnh việc bám sát các yêu cầu nhằm tháo gỡ, mở cửa XK các mặt hàng thủy hải sản theo đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, ngành thủy sản đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện một số định hướng nhằm khai thác tốt hơn nữa dư địa XK thủy sản sang thị trường này.
Với tôm, trước đây tại các tỉnh ĐBSCL đã hình thành được các mô hình liên kết SX khá chặt chẽ giữa các DN chế biến và các cơ sở nuôi, gắn với việc quản lí, cấp mã số vùng nuôi và cơ sở nuôi. Tuy nhiên những năm gần đây, đã diễn ra tình trạng phá vỡ liên kết trong nuôi tôm.
SX tôm của Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng bền vững, liên kết SX theo chuỗi nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quản lí dịch bệnh theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc |
Vì vậy, nhằm đáp ứng các yêu cầu SX bền vững, nhất là các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc đối với việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng nuôi, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội và các DN thủy sản nhằm kết nối lại mối liên kết SX trong ngành tôm. Trong đó, chú trọng khuyến khích người dân nhận thấy được lợi ích từ việc liên kết SX.
Đối với cá tra, đây là mặt hàng đã được đưa vào sản phẩm chủ lực quốc gia, mặc dù diện tích nuôi không lớn (chỉ khoảng trên 5.000 ha) nhưng đã tạo ra một khối lượng hàng hóa rất lớn.
Đến nay, cá tra là ngành hàng đã được tổ chức liên kết SX theo chuỗi rất chặt chẽ, đã triển khai cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi một cách bài bản. Đây cũng là là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng XK và triển vọng thị trường rất lớn tại Trung Quốc.
Đến nay, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ đề án về giống cá tra 3 cấp. Theo đó cải thiện chất lượng con giống bởi đây là khâu quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung cho Chương trình quốc gia về cá da trơn, xây dựng các mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng từ cá tra chứ không chỉ sản phẩm bình dân trước đây, ví dụ: Cá tra phi lê chất lượng cao; cá tra giả lươn, mỡ cá tra…