Bạn tìm thông tin gì?

Triển khai BHNN đối với tôm: Bạc Liêu đã sẵn sàng, Cà Mau đang tích cực triển khai

Triển khai BHNN đối với tôm: Bạc Liêu đã sẵn sàng, Cà Mau đang tích cực triển khai

Cuối tháng 11 vừa qua, đoàn công tác do Bộ Tài chính thành lập (gồm đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm và đại diện ba công ty bảo hiểm gồm: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và Tổng công ty CP Bảo Minh) đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ Bảo hiểm Nông nghiệp (BHNN) theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg. Đây là hai tỉnh sẽ triển khai bảo hiểm về tôm sú và tôm thẻ chân trắng khi xảy ra rủi ro thiên tai.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tại các buổi làm việc, đoàn công tác và chính quyền các địa phương đã cùng trao đổi, cập nhật, giải đáp thông tin về cả chính sách và thực tiễn, nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai chính sách hỗ trợ BHNN.

Bạc Liêu và Cà Mau là 2 tỉnh sẽ thực hiện BHNN đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng khi xảy ra rủi ro thiên tai. Báo cáo của Sở Tài chính Bạc Liêu cho thấy, công tác tuyên truyền về chính sách BHNN chưa được phổ biến sâu rộng đến người nuôi tôm. Điều này đã khiến cho một số hộ chưa hiểu rõ các quy định, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\Thang 11 BHNN\Ca Mau.JPG

Đoàn làm việc tại Cà Mau

Chia sẻ ý kiến tại các buổi làm việc, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để chính sách đến được với người dân. Công tác tuyên truyền, vận động cần có sự đổi mới, sáng tạo về hình thức theo hướng dễ hiểu, gần gũi với người nông dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần phối hợp với các DNBH để hạn chế tối đa các hành vi, hiện tượng trục lợi bảo hiểm, tránh tình trạng người dân tham gia mất niềm tin về lợi ích và mục tiêu tốt đẹp của chính sách hỗ trợ BHNN.

Theo báo cáo, hiện nay Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã đề xuất danh sách địa bàn được hỗ trợ phí BHNN gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố lấy ý kiến đóng góp. Hiện UBND tỉnh cũng đang xem xét ban hành quyết định lựa chọn, công bố địa bàn được hỗ trợ phí BHNN. Đối với tôm sú, ở tỉnh Bạc Liêu hiện có 47 xã, phường, thị trấn có diện tích nuôi tôm sú với tổng diện tích nuôi là hơn 49 ngàn ha/28.335 hộ tổ chức tham gia sản xuất. Đối với tôm thẻ chân trắng hiện có 39 xã, phường, thị trấn có diện tích nuôi tôm chân trắng với tổng diện tích nuôi là 17.546ha/11.925 hộ, tổ chức tham gia sản xuất. Hiện tỉnh Bạc Liêu lựa chọn vùng phía Nam Quốc lộ 1A để thực hiện chính sách hỗ trợ phí BHNN vì đây là địa bàn sớm chịu ảnh hưởng và bị ảnh hưởng nặng hơn so với vùng Bắc Quốc lộ 1A.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\Thang 11 BHNN\Dai dien cty Bao Minh.JPG

Đại diện Tổng công ty Bảo Minh giải thích về sản phẩm

Tại Cà Mau, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, thủy sản là ngành mũi nhọn của tỉnh, riêng với con tôm là sản phẩm chủ lực và đây cũng là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ BHNN; đồng thời cũng đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động thực hiện. Các địa phương cũng đã thông báo địa bàn được hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn thủ tục cho các tổ chức, cá nhân tham gia BHNN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký thực hiện.

Cùng tháo gỡ khó khăn

Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng đã trao đổi với đoàn công tác một số khó khăn khi triển khai cụ thể BHNN tại địa phương. Vì vậy, các tỉnh đề nghị sớm xây dựng, phê chuẩn sản phẩm, quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm… để sớm triển khai cụ thể; đồng thời sớm có hướng dẫn cụ thể việc chi, báo cáo quyết toán thực hiện hỗ trợ phí BHNN. Đại diện một số địa phương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh; ban hành quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để địa phương có căn cứ cụ thể triển khai.

C:\Users\tavuthuhang\Documents\Thang 11 BHNN\nuoi tom.JPG

Mô hình nuôi tôm tại Bạc Liêu

Ông Bùi Hữu Phú – Trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính), đại diện đoàn công tác cũng đã chia sẻ cụ thể hơn về một số nội dung quan trọng của Nghị định 58 và Quyết định 22; đồng thời cập nhật thêm một số thông tin về tình hình triển khai tại một số địa phương khác, quy trình, quy định và đặc biệt là sản phẩm BHNN sẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) báo cáo Bộ Tài chính xem xét, phê chuẩn.

Đại diện Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt) và Tổng công ty CP Bảo Minh (Bảo Minh) cũng thông tin chi tiết hơn về quá trình xây dựng sản phẩm BHNN. Theo đó, sản phẩm hiện nay đang được các nhà bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm hoàn thiện những khâu cuối để trình Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT xem xét phê chuẩn.

Cuối buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, ông Bùi Hữu đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong việc triển khai bước đầu chính sách BHNN tại địa phương. Liên quan tới một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh, các thành viên đoàn công tác đã giải đáp cụ thể; đồng thời ghi nhận một số ý kiến để báo cáo lên các cấp trên nhằm đảm bảo khả năng thực thi cao nhất chính sách BHNN.

Ông Phú cũng đề nghị các địa phương cần sớm lựa chọn và công bố chính thức địa bàn cụ thể để triển khai các công việc khác được hiệu quả hơn, như phê duyệt đối tượng được hỗ trợ, dự toán kinh phí…

Mộc Lan theo https://www.mof.gov.vn/

Trả lời